Theo đánh giá của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) niên vụ mía đường 2015- 2016 tổng sản lượng đường vào khoảng 1,22 triệu tấn, so với niên vụ trước thấp hơn 200 ngàn tấn. Ảnh hưởng của khô hạn, xâm nhập mặn đã khiến diện tích mía tại các tỉnh phía Nam bị sụt giảm. Cụ thể, vùng nguyên liệu mía huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) có đến trên 6.500 ha mía chết vì hạn, mặn. Vùng nguyên liệu mía lớn nhất ĐBSCL là tỉnh Hậu Giang cũng có gần 10.000 ha giảm năng suất…
Trong khi đó, nhu cầu đường cho sản xuất công nghiệp năm 2016 tăng khoảng 100 ngàn tấn so với năm 2015. Do vậy, cân đối cung cầu thì lượng đường trong nước còn thiếu. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá đường tăng cao thời gian vừa qua.
Những ngày đầu tháng 6/2016, giá bán buôn đường kính trắng tại Hà Nội còn 16.000 - 16.600 đ/kg, miền Trung 15.900- 16.600 đ/kg, TP. HCM 16.000- 16.300 đ/kg. Hiện giá bán lẻ đường kính trắng tại thị trường TP.HCM từ 19.000- 19.500đ/kg. Giá đường đang ở mức cao hơn nhiều so với cùng thời điểm này của năm 2015. Năm 2015 chỉ dao động ở mức 12.750 - 13.400 đồng/kg.
Ông Nguyễn Hải - Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam - cho biết đây là lần đầu tiên sau nhiều năm nước ta mới lại nhập khẩu thêm đường ngoài lượng nhập theo cam kết với WTO. Trước đây, khi sản lượng đường trong nước chưa đạt 1 triệu tấn, hàng năm, nước ta vẫn phải nhập khẩu thêm khá nhiều đường. Nhưng từ niên vụ 2009/2010 đến nay, khi sản lượng đường luôn đạt trên 1 triệu tấn/năm, gần như chỉ còn phải nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan.
Việc nhập khẩu 85.000 tấn đường theo hạn ngạch vẫn được thực hiện hàng năm - bởi theo cam kết trong WTO Việt Nam phải nhập khẩu một lượng đường nhất định (tăng 5% từng năm). Tuy nhiên, năm nay, nhập khẩu đường trong hạn ngạch thuế quan có điểm khác là Bộ Công Thương sẽ thực hiện đấu giá thay vì cơ chế phân giao như vẫn làm.
Phía các DN sử dụng đường số lượng lớn cho biết giá đường tăng cũng làm ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất. Theo ông Huỳnh Lưu - Quản lý truyền thông Công ty Bánh kẹo Phạm Nguyên, năm nay nhu cầu sử dụng đường của Phạm Nguyên hơn 3.800 tấn. Sản lượng đường trong nước khan hiếm khiến DN phải mua với giá cao hơn khoảng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Việc này chắc chắn ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành sản phẩm. Năm 2015, lượng hạn ngạch đường cấp cho Phạm Nguyên đạt 300 tấn chỉ đủ nhu cầu cho sản xuất trong 1 tháng.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, tính đến đầu tháng 6/2016 thống kê chưa đầy đủ cho thấy trong kho của các nhà máy còn tồn 333.614 tấn, tại các công ty thương mại thuộc Hiệp hội là 18.063 tấn. Trong những tháng mùa nóng, lượng đường tiêu thụ bình quân khoảng 160.000 tấn/tháng. Như vậy, lượng đường còn tồn kho, cộng với đường nhập khẩu theo hạn ngạch (85.000 tấn) và đường đã được cho phép nhập khẩu thêm là 100.000 tấn thì những tháng tới vẫn đảm bảo được nguồn cung cho thị trường nội địa.
Theo Báo Công Thương điện tử