GDP là chỉ tiêu kinh tế tổng hợp quan trọng, phản ánh toàn bộ kết quả cuối cùng của các hoạt động sản xuất của tất cả các đơn vị thường trú trong nền kinh tế của một nước trong một thời kỳ nhất định; phản ánh các mối quan hệ trong quá trình sản xuất, phân phối thu nhập, sử dụng cuối cùng sản phẩm hàng hóa và dịch vụ...
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, GDP của Việt Nam có nhiều vấn đề rất đáng quan tâm.
Thứ nhất, GDP còn phụ thuộc quá vào nhiều khai thác tài nguyên thiên nhiên. Đây là sự phát triển không bền vững và làm cho môi trường bị hủy hoại nặng nề. Bao nhiêu nhà máy ngày đêm xả nước thải ra sông, biển; bao nhiêu khu rừng bị chặt phá trơ trọi; bao nhiêu mỏ quý bị khai thác bừa bãi rồi xuất khẩu thô… Cái giá phải trả cho mức độ tàn phá đó có khi còn lớn hơn nguồn lợi mang lại thể hiện trong GDP.
Thứ hai, tình trạng tham nhũng tại Việt Nam vẫn còn nhức nhối. Rất nhiều dự án, công trình, nhà máy, đường sá, nhà cửa… được xây dựng đều được tính vào GDP. Nhưng tình trạng tham những đang khá phổ biến trong nhiều lĩnh vực. Đảng ta xác nhận “tham nhũng đang là quốc nạn”. Vậy “Quốc nạn” đó “cướp” đi bao nhiêu phần trăm GDP thực. Đây là GDP không sạch.
Thứ ba, tại Việt Nam tình trạng quy hoạch, kế hoạch còn nhiều vấn đề lộn xộn. Nhiều con đường hôm nay hoàn thành, ngày mai lại có đơn vị khác đến đào để xây cống thoát nước, lắp đường dây, sửa chữa thiết bị ngầm… Đơn vị làm đường cũng tính vào GDP, đơn vị đào đường cũng tính vào GDP. Hoặc có nhiều nhà máy, công trình, nhà cửa xây dựng hết ngàn tỷ, thậm chí hàng chục ngàn tỷ đồng, nhưng xây xong bỏ phí không sử dụng được, hoặc sử dụng không hiệu quả. Như vậy đây là GDP không thực chất.
Thứ tư, số liệu công bố GDP không tin tưởng. Vừa qua khi tiến hành Đại hội Đảng tại nhiều địa phương đều công bố GDP trong thời kỳ 2011-2015 đều tăng trưởng trên 10%/năm. Nhưng GDP cả nước trong thời kỳ đó chỉ tăng trưởng 5-6%. Vậy GDP thực chất “chạy” đi đâu?
GDP là “sức khỏe” nền kinh tế. Nếu tạo ra những số liệu GDP “ảo” thì sẽ có nguy cơ bằng lòng với những thành tích không có thật!
Con số & Suy ngẫm
- Nợ công đến 2015 là 62,2%, còn nợ Chính phủ là 50,3%. Dự báo của Ngân hàng Thế giới đến năm 2016, nợ công của Việt Nam sẽ tăng lên mức 63,8% GDP, năm 2017 là 64,4%, năm 2018 lên 64,7%. Như vậy, nợ công của Việt Nam sẽ chạm trần mức khả năng trả nợ của Chính phủ là 65%.
- Theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam năm 2015 đạt 4.192.900 tỷ đồng. Như vậy, nợ công của Việt Nam tương đương mức 2.607.900 tỷ (115,7 tỷ USD). Với dân số khoảng 91,7 triệu người, hiện mỗi người dân Việt Nam đang phải gánh khoản nợ khoảng 28,4 triệu đồng.
- Nợ công của Việt Nam tăng nhanh qua các năm. Từ năm 2006 - 2015, nợ công đã tăng từ mức 22,7% GDP lên 62,2% GDP. Trong khi thâm hụt ngân sách nhiều năm vượt quá mức an toàn là 5%, năm 2015 con số này lên tới 6,5% GDP, trước đó năm 2013-2014 cũng ở mức cao lần lượt là 7,4% và 6,2%.
- Theo số liệu của Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam đi xuống mức thấp nhất vào năm 2005 và bứt phá nhất trong năm 2015, lần đầu tiên vượt ngưỡng 6%. Tính chung giai đoạn 1992-2014, năng suất lao động tính theo sức mua tương đương của Việt Nam tăng trung bình 4,64%, là mức tăng cao nhất trong khu vực ASEAN nhưng so với mức tăng 9,07% của Trung Quốc vẫn thấp hơn đáng kể.
- Theo Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương, do xuất phát điểm rất thấp nên đến năm 2014, năng suất lao động của người Việt đạt 9.138,6 USD theo ngang giá sức mua (PPP) của năm 2011. Gần 16 lao động Việt mới có năng suất làm bằng một người Singapore và nếu giữ tốc độ này, phải mất hơn 60 năm, Việt Nam mới đuổi kịp được Singapore.
|
Hà Lê