Thứ Bẩy, 23/11/2024 16:11:41 GMT+7
Lượt xem: 1074

Tin đăng lúc 03-04-2022

Dàn dựng nhạc kịch thuần Việt: Góp ''sức bật'' cho công nghiệp văn hóa

Sự rộn ràng của sân khấu thời gian gần đây với những vở nhạc kịch mới là tín hiệu vui cho đời sống nghệ thuật. Đáng nói hơn, đó là những vở nhạc kịch thuần Việt, được đầu tư bài bản, chuyên nghiệp, đầy hấp dẫn và có sức hút với khán giả, nhằm tạo nền móng cho sự phát triển của nhạc kịch nước nhà, góp "sức bật" cho nền công nghiệp văn hóa.
Dàn dựng nhạc kịch thuần Việt: Góp ''sức bật'' cho công nghiệp văn hóa
Một cảnh trong vở nhạc kịch “Sóng” của Nhà hát Tuổi trẻ

To du n vi khán gi

 

Nhà hát Công an nhân dân đang hào hứng thực hiện vở nhạc kịch “Người cầm lái”, khai thác hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh với lực lượng Công an nhân dân. Tác phẩm do Thượng tá, Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Thị Thúy Hiền chỉ đạo nghệ thuật, biên đạo múa Nguyễn Thị Tuyết Minh viết kịch bản nhạc kịch và tổng đạo diễn, với sự tham gia của hơn 170 nghệ sĩ Nhà hát Công an nhân dân và Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Dự kiến vở nhạc kịch sẽ ra mắt khán giả vào cuối tháng 4-2022.

 

Cách đây không lâu, vào đêm 18 và 19-3 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, vở nhạc kịch “Sóng” của Nhà hát Tuổi trẻ đã chinh phục khán giả với câu chuyện đầy cảm xúc về cuộc đời nữ thi sĩ Xuân Quỳnh. Khán giả say sưa thưởng thức những vần thơ đẹp của cặp vợ chồng nghệ sĩ tài hoa Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ trong từng lời hát, từng câu thoại, được nghe lại những bức thư tình có giá trị vượt thời gian của họ trong không gian lãng mạn, trữ tình. Dàn nhạc bán cổ điển biểu diễn trực tiếp cùng phong cách dàn dựng hiện đại, áp dụng các kỹ thuật sân khấu mới. Xem vở nhạc kịch “Sóng”, em Nguyễn Vũ Gia Hân, học sinh lớp 10, Trường Trung học phổ thông chuyên ngoại ngữ (Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: “Không chỉ được thưởng thức những vần thơ hay, câu chuyện về nhà thơ Xuân Quỳnh, em còn nhận được nhiều thông điệp về nỗ lực biến ước mơ thành hiện thực. Hình thức nhạc kịch rất sinh động, hấp dẫn, đem đến cho em những trải nghiệm nghệ thuật đa dạng”.

 

Trước đó, Nhà hát Tuổi trẻ cũng thử nghiệm hình thức này với vở “Trại hoa vàng”, dựa trên truyện dài cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, thành công khi giành Huy chương vàng Liên hoan ca múa nhạc toàn quốc năm 2021. Tác phẩm được nhà hát tổ chức biểu diễn thường xuyên phục vụ khán giả từ cuối tháng 3. Ra mắt cuối năm 2020, vở nhạc kịch “Tôi đọc báo sáng nay” của Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long phản ánh sinh động cuộc sống Hà Nội đương đại, cũng đang được đơn vị này nghiên cứu để sớm đưa trở lại phục vụ khán giả Thủ đô…

 

Ngoài ra, có khá nhiều vở nhạc kịch thuần Việt đã được dàn dựng, tạo dấu ấn những năm gần đây, như: “Lá đỏ” (Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam); “Dế Mèn phiêu lưu ký” (Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch thành phố Hồ Chí Minh); “Tấm Cám”, “Thủy Tinh - Đứa con thứ 101” (nhóm Buffalo)…

 

 

Một cảnh trong vở nhạc kịch “Tôi đọc báo sáng nay” của Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long

 

Bước tiến chuyên nghip

 

Dàn dựng nhạc kịch đang là làn sóng mới của sân khấu Việt Nam. Thượng tá, Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Thị Thúy Hiền, Giám đốc Nhà hát Công an nhân dân nhận định, với sự mới lạ, hấp dẫn, nhạc kịch là xu hướng được nhiều đơn vị nghệ thuật lựa chọn để tiếp cận, chinh phục số đông công chúng. Tuy nhiên, việc dàn dựng một vở nhạc kịch rất khó khăn, phải đầu tư gấp nhiều lần một vở diễn, chương trình thông thường. Là dự án nhạc kịch đầu tiên của Nhà hát Công an nhân dân, tác phẩm “Người cầm lái” được ê kíp lên ý tưởng và ấp ủ từ cuối năm 2021, thực hiện nghiên cứu, tham khảo kỹ tư liệu để xây dựng kịch bản và triển khai sáng tạo. Các nghệ sĩ cũng dày công tập luyện, nhằm khai thác được tối đa sức hấp dẫn của ngôn ngữ nhạc kịch.

 

Ở vở nhạc kịch “Sóng”, Nhà hát Tuổi trẻ có tham vọng đặt nền móng chuyên nghiệp hóa sân khấu nhạc kịch nước nhà bằng việc hình thành quy trình, tiêu chuẩn sản xuất, đào tạo, dàn dựng một vở nhạc kịch thuần Việt. Theo Nghệ sĩ ưu tú Cao Ngọc Ánh, Tổng đạo diễn vở nhạc kịch “Sóng”, diễn viên nhạc kịch phải vừa hát, vừa diễn xuất và thực hiện vũ đạo. Song, rất ít diễn viên Việt Nam hội tụ đủ cả ba yếu tố này. Vì vậy, Nhà hát Tuổi trẻ đã tổ chức nhiều đợt tuyển chọn diễn viên. Những người được tuyển chọn phải trải qua quá trình đào tạo bài bản trong 6 tháng để hoàn thiện các kỹ năng, đáp ứng yêu cầu của vở diễn. “Sau quá trình đào tạo và tập luyện, tất cả các diễn viên đều thuộc vai của nhau, sẵn sàng vào vai khác thuần thục. Chúng tôi muốn hình thành một lớp nghệ sĩ mới có nền tảng cho nhạc kịch Việt Nam”, Nghệ sĩ ưu tú Cao Ngọc Ánh chia sẻ. Cùng với đó, Nhà hát Tuổi trẻ đã mời ê kíp, gồm biên kịch Phạm Kim Thùy, đạo diễn nhạc kịch Nguyễn Triều Dương, đạo diễn sân khấu Đào Duy Anh, tác giả âm nhạc Minh Đạo, Tường Văn, Nam Lee… Các nghệ sĩ đã cùng sáng tạo câu chuyện, phát triển lời thoại, giai điệu, dàn dựng vũ đạo… “đo ni đóng giày” cho từng vai diễn.

 

Đã có chỗ đứng trên sân khấu ca nhạc, nhưng ca sĩ Lê Việt Anh chủ động thử vai và dành nhiều tâm huyết cho vở nhạc kịch “Sóng”. “Việc hóa thân vào nhân vật, tập luyện từng lời thoại, nét diễn… là thách thức, nhưng cũng giúp tôi trưởng thành trong nghề”, nam ca sĩ Lê Việt Anh bày tỏ.

 

Là Tổng đạo diễn vở nhạc kịch “Những người khốn khổ” kinh điển thế giới cho Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, Nghệ sĩ ưu tú Trần Ly Ly, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) khẳng định, việc dàn dựng một vở nhạc kịch, nhất là nhạc kịch thuần Việt vô cùng gian nan, nhất là ở khâu nhân lực. Nhưng, sân khấu cần có thêm nhiều vở nhạc kịch thuần Việt mới, thực hiện bài bản, chuyên nghiệp để góp phần tạo "sức bật" cho công nghiệp văn hóa.

 

Theo Hà Nội mới


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang