Hội chợ được tổ chức trong thời gian 4 ngày, từ ngày 06/11 - 09/11/2024 với trên 80 gian hàng sản phẩm làng nghề và nông sản thực phẩm an toàn, sản phẩm OCOP và các khu trưng bày trải nghiệm du lịch làng nghề, sản phẩm OCOP gắn với nông nghiệp nông thôn, xây dựng nông thôn mới, với trên 1.000 sản phẩm tham gia Hội chợ đến từ các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội và 21 tỉnh, thành phố trong nước có gian hàng tham gia tại Hội chợ.
Các gian trưng bày đầy đủ loại hàng hóa sẵn sàng phục vụ nhu cầu thăm quan, mua sắm của người tiêu dùng
Theo ông Nguyễn Đình Hoa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, Hội chợ sản phẩm làng nghề và nông sản thực phẩm an toàn trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024 được tổ chức nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, thực hiện liên kết Hà Nội với cả nước và cả nước với Hà Nội. Đây là cơ hội giúp các chủ thể, các doanh nghiệp, các hộ sản xuất tăng cường kết nối giao thương, quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại, tìm kiếm khách hàng, tiếp cận thị trường, nhất là việc đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, hệ thống phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng kinh doanh, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP...
Các chủ gian hàng phấn khởi tham gia Hội chợ, tươi cười đón mời khách hàng dùng thử và mua sản phẩm
Đồng thời, tham gia Hội chợ còn giúp các chủ thể, doanh nghiệp và cộng đồng tăng cường kết nối giao thương, trao đổi kinh nghiệm trong tổ chức sản xuất, xây dựng thương hiệu và tìm đầu ra cho sản phẩm, trao đổi kinh nghiệm về chuyển đổi số, tiếp cận với công nghệ tiên tiến và tiến bộ kỹ thuật mới góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm và phát triển chuỗi giá trị nông sản bền vững.
Nhiều sản phẩm thực phẩm, bánh trái, đồ khô với hương vị thơm ngon và bao bì bắt mắt
Ngoài ra, Hội chợ lần này còn có ý nghĩa quan trọng góp phần thiết thực trong phát triển kinh tế khu vực nông thôn; bảo tồn, phát triển làng nghề và Chương trình xây dựng nông thôn mới tại các địa phương, góp phần đẩy mạnh tuyên truyền cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Chị Đặng Thị Điệp Nữ, Cơ sở sản xuất và kinh doanh Tào phớ ở xã Liên Hồng, huyện Đan Phượng
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Công nghiệp & Tiêu dùng, chị Đặng Thị Điệp Nữ, Cơ sở sản xuất và kinh doanh Tào phớ ở xã Liên Hồng, huyện Đan Phượng vui vẻ cho biết, Tào phớ của gia đình tôi được sản xuất từ đậu sạch của Công ty TNHH Đậu phụ sạch truyền thống Việt Nam Visoy có sản phẩm đậu phụ sạch Việt Nam đạt OCOP 3 sao. Hàng ngày gia đình tôi bán ra thị trường khoảng 1.000 cốc. Tôi đã tham gia nhiều chương trình hội chợ do thành phố, huyện tổ chức, lượng bán ra cũng tốt, sản phẩm được nhiều người tham gia hội chợ yêu thích.
Một người dân xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng đang làm món Cháo Se thơm nức
Đại diện gian hàng Cháo Se xã Hạ Mỗ vừa se bột vừa chia sẻ, món Cháo Se là món ăn truyền thống của người dân Hạ Mỗ. Món cháo này có từ ngày xa xưa, các cụ truyền lại là món cháo để khao quân. Nguyên liệu chủ yếu của món cháo này là gạo tẻ xay nhuyễn và nước xương cùng một chút thịt băm xào hành thơm lừng, nguyên liệu khá đơn giản nhưng để chế biến được thành phẩm phải cần đến sự khéo léo, tỉ mỉ và đặc biệt kỳ công. Khi ăn, cháo có mùi thơm mềm, beo béo của bột gạo, ngọt thanh của nước xương cùng chút bùi bùi của lạc vừng. Tham gia Hội chợ này giúp chúng tôi quảng bá được sản phẩm truyền thống của quê hương Hạ Mỗ đến đông đảo người dân trong và ngoài huyện Đan Phượng.
Người tiêu dùng thích thú với những sản vật được bày bán tại Hội chợ
Hội chợ sản phẩm làng nghề và nông sản thực phẩm an toàn trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024 tại huyện Đan Phượng hội tụ nhiều sản phẩm đặc sản, sản phẩm nông nghiệp an toàn, sản phẩm OCOP của Hà Nội và nhiều địa phương trong nước hứa hẹn sẽ mang tới cơ hội mua sắm an toàn, tiện dụng cho người tiêu dùng.
Minh Ngọc