Người trồng mía từ vùng đất trù phú Cù lao Dung (Sóc Trăng) đến vùng đất khó Phú Yên, Khánh Hòa đều khóc ròng vì mía nguyên liệu tụt giá thảm hại. Không ít nông dân Phú Yên chỉ nhận được 10 triệu đồng tiền đặt cọc của thương lái rồi để mía trơ khô ngoài đồng vì thương lái bỏ cọc! Tại Cù lao Dung, nông dân phải bán mía với giá 500 đồng/kg nhưng công thuê đốn mía đã 200 đồng/kg, nông dân bán mía tính ra lỗ 2 triệu đồng/ha.
Đầu năm 2018, các nhà máy tồn kho gần 200.000 tấn, sang tháng 3 hơn 300.000 tấn và sang tháng 4-2018 đã hơn 500.000 tấn. Đường lậu, đường nhập chính ngạch khi hội nhập với khu vực tràn vào với giá thành thấp, gia tăng áp lực cạnh tranh rất lớn. Nhiều nhà máy đường trong nước phải bấm bụng bán đường tồn kho thấp với giá thành sản xuất. Chưa “kết toán” niên vụ sản xuất nhưng chuyện nhiều nhà máy đường đã cầm chắc thua lỗ vài chục tỷ không phải là hiếm.
Cả nước hiện nay có hơn 40 nhà máy đường, tổng công suất thiết kế khoảng 150 ngàn tấn mía/ngày, tăng 1,5 lần so với năm 2005 và tăng 12,7 lần so với năm 1995. Ít nhất là 4 nhà máy đường đã ngưng sản xuất do hoạt động không hiệu quả. Viễn cảnh nhiều nhà máy sẽ tiếp tục đóng cửa là rất gần trong áp lực cạnh tranh khốc liệt. Câu hỏi đặt ra là: Có nên để các nhà máy đường “sống chết mặc bây”?
Với diện tích khoảng 300.000ha, có khoảng 33.000 hộ nông dân, hơn 1,5 triệu lao động nông nghiệp tham gia ngành mía đường, có nên chuyển trồng mía sang trồng cây khác? Đây thật sự là bài toán hóc búa. Phần lớn diện tích trồng mía là nằm ở vùng đất khó, khô cằn hoặc nằm ở vùng chịu tác động phèn mặn. Chuyển đổi sang trồng cây gì khác trong khi nhiều nông sản đang “cần giải cứu đầu ra”? Trong khi đó, cải tạo hệ thống canh tác không hề đơn giản và nông dân phải tiếp cận kỹ thuật khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng! Thực tế ở ĐBSCL, nông dân đã bỏ cây mía, chuyển sang trồng nhiều cây khác (từ 90.000ha, hiện nay giảm xuống chỉ còn khoảng 55.000ha).
Vấn đề đặt ra là cần nhìn nhận những điểm yếu của ngành mía đường hiện nay để tái cơ cấu bài bản. Vùng mía nguyên liệu hiện nay trồng rất manh mún. Vấn đề cơ giới hóa khâu thu hoạch mía lâu nay đã được chỉ ra, thậm chí có địa phương (như Hậu Giang) đã đặt hàng các nhà khoa học giúp cơ giới hóa khâu thu hoạch mía nhưng đến nay vẫn chưa làm được. Hiện tại chỉ có một phần nhỏ diện tích trồng mía ở Thanh Hóa được thu hoạch bằng cơ giới với sự phối hợp của Nhà máy đường Lam Sơn. Trong khi đó, năng suất mía của Việt Nam hiện nay vẫn thấp so với nhiều nước. Nguyên nhân do giống mía gốc tại Việt Nam chưa nhiều, đa số các giống đang trồng tại Việt Nam và vùng ĐBSCL đều có nguồn gốc từ Trung Quốc và Thái Lan. Sản xuất mía của nông dân chủ yếu là lao động thủ công, không lưu gốc được mà phải trồng lại hàng năm.
Lãnh đạo một nhà máy đường ở Hậu Giang khẳng định: Nếu có được những cơ chế, chính sách phù hợp ngang bằng với các nước trong khối ASEAN thì nông dân trồng mía sẽ đứng vững trong hội nhập. Các chính sách đó bao gồm: Quy hoạch vùng mía nguyên liệu cho phù hợp với tình hình hội nhập hiện nay, đặc biệt là vấn đề giao thông và thủy lợi nội đồng, giúp nông dân có thể giảm được chi phí sản xuất và thu hoạch mía; hỗ trợ nông dân trồng mía có thể thực hiện được việc dồn điền đổi thửa, hình thành các cánh đồng mía lớn, hợp tác xã sản xuất lớn nhằm áp dụng được cơ giới hóa trong sản xuất và thu hoạch.
Nguồn Sggp.org.vn