Chủ Nhật, 24/11/2024 15:52:41 GMT+7
Lượt xem: 1692

Tin đăng lúc 11-07-2020

Đặt đồ ăn online tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm

Chỉ cần một cú click chuột hay một cuộc điện thoại, khách hàng có thể ngồi tại nhà hay văn phòng để thưởng thức những món ăn mình yêu thích. Chính vì sự tiện lợi đó mà dịch vụ gọi đồ ăn trực tuyến ngày càng nở rộ, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, mác “thực phẩm sạch, an toàn” trên mạng lại rất khó được kiểm chứng, tiềm ẩn không ít nguy cơ.
Đặt đồ ăn online tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm

Nhiều ứng dụng giúp khách hàng đặt món ăn trực tuyến liên tục xuất hiện như: Now, Foody, Lozi, GO-Food … Chỉ cần đăng kí một tài khoản với đầy đủ thông tin như tên, địa chỉ, số điện thoại là khách hàng có thể lựa chọn bất cứ món ăn yêu thích nào và trong bất cứ thời điểm nào. Không những vậy, hiện nay rất nhiều hệ thống cửa hàng lớn có tên tuổi cũng đã bắt đầu có dịch vụ vận chuyển đồ ăn đến tận nhà cho khách hàng. Thậm chí cả trên mạng xã hội facebook người tiêu dùng có thể dễ dàng bắt gặp những lời quảng cáo, rao vặt, nhận buôn bán vận chuyển từ những món cao cấp đến những đồ ăn vặt bình dân, từ những đặc sản vùng miền đến đồ ăn nhanh. Chè, sinh tố, nước giải khát, bánh mì, cơm, phở, hoa quả, pizza, mì Ý, kem,… luôn luôn sẵn sàng để vận chuyển cho bất cứ ai có nhu cầu. Chi phí vận chuyển dao động từ khoảng 10.000 – 30.000 đồng/chuyến, tùy thuộc vào chính sách của cửa hàng theo hóa đơn giá trị cao hay thấp, thậm chí nhiều nơi còn được vận chuyển miễn phí.

 

Bạn Nguyễn Minh Hải – sinh viên Đại học Điện lực cho biết: “Mình là một khách hàng trung thành của ứng dụng gọi đồ ăn trực tuyến. Hầu hết ngày nào mình cũng order đồ ăn trên mạng về ăn cho tiện. Mỗi ngày thử một vài món khác nhau. Có những lần ăn rất ngon nhưng cũng vài lần gặp phải quán có chất lượng ăn khá tệ mà còn bị đau bụng”.

 

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số: Việc mua bán thực phẩm trực tuyến trên các website, ứng dụng thương mại điện tử và các mạng xã hội luôn tiềm ẩn một số rủi ro. Thực tế rất nhiều đối tượng lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm giả, hàm lượng chất dinh dưỡng thấp hơn tiêu chuẩn công bố, hoặc thành phần các chất không đúng theo tiêu chuẩn quy định, không nằm trong giới hạn cho phép. Ngoài ra, mua thức ăn online còn mang nhiều rủi ro khác như sản phẩm chứa các chất phụ gia không được phép sử dụng hoặc vượt quá giới hạn cho phép, thực phẩm chứa các chất độc hại, ô nhiễm, thực phẩm bị hư hỏng biến chất do điều kiện bảo quản không bảo đảm... Do đó, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số khuyến cáo: Người tiêu dùng chỉ nên mua hàng tại những website đã đăng ký hoặc thông báo với Bộ Công Thương. Nếu mua hàng qua mạng xã hội, cần phải tìm hiểu kỹ các đánh giá của người mua trước, tìm hiểu kỹ thông tin về người bán, xem xét về vấn đề nguồn gốc rõ ràng, được cơ quan quản lý kiểm tra về an toàn thực phẩm. Người dân tuyệt đối không nên mua thực phẩm ở những Fanpage không có thông tin người bán và không có địa chỉ rõ ràng.

 

Ngọc Bích


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang