Chủ Nhật, 24/11/2024 03:06:46 GMT+7
Lượt xem: 954

Tin đăng lúc 26-01-2021

Đắt hàng đặc sản phục vụ Tết

Các mặt hàng thực phẩm là đặc sản vùng miền đang được nhiều người tiêu dùng "săn đón", hiện diện trong các giỏ quà biếu, tặng vào dịp Tết Nguyên đán 2021. Nhiều đơn vị sản xuất cho biết, họ thậm chí còn rơi vào tình cảnh "cháy hàng".
Đắt hàng đặc sản phục vụ Tết

Năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên việc nhập khẩu hàng hóa gặp nhiều khó khăn, nhất là cước vận tải tăng cao. Thay vì nguồn hàng nhập khẩu, các doanh nghiệp (DN) đã đẩy mạnh phân phối hàng trong nước, đặc biệt là đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP.

 

Đặc sản "cháy hàng"

 

Để phục vụ nhu cầu thị trường Tết Nguyên đán 2021, HTX Khẩu Nua Lếch Thượng Quan (huyện Ngân Sơn - Bắc Kạn) đã huy động toàn bộ nhân lực chạy đua với thời gian cho kịp thực hiện các đơn hàng phục vụ nhu cầu của thị trường.


Khẩu Nua Lếch là loại gạo nếp bản địa đặc trưng của huyện Ngân Sơn. Với độ dẻo, thơm, đến nay sản phẩm đã được xếp hạng 3 sao OCOP cấp tỉnh, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến.

 

Đại diện HTX Khẩu Nua Lếch Thượng Quan cho biết, HTX đã thuê thêm nhân lực địa phương để đóng gói, giao các đơn hàng nhưng vẫn chưa đủ đáp ứng đơn hàng. Trong một tháng qua, HTX đã cung cấp hơn 10 tấn gạo nếp cho các thị trường như TP Bắc Kạn, Nam Định, Bắc Giang, TP. Hà Nội, TP.HCM.

 

Tương tự, ông Phan Thành Hiếu, Giám đốc CTCP Lương thực Phương Nam cho biết, năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19, DN chuẩn bị tâm lý hàng hóa tiêu thụ chậm nhưng thực tế 2 dòng sản phẩm cao cấp là gạo ST 25 hữu cơ và ST 25 canh tác lúa tôm lại đang "cháy hàng".

 

"Chúng tôi phải từ chối nhiều đơn hàng, hoặc giao dưới số lượng đăng ký. Dòng sản phẩm mới là gạo ST 25 canh tác lúa tôm giá bán 285.000 đồng/túi 5kg, cao hơn gạo ST 25 canh tác ruộng thường 15.000 đồng/túi 5kg cũng được nhiều người chọn mua", ông Hiếu cho hay.

 

Theo ông Hiếu, đơn hàng quá nhiều, nhân viên chạy giao không xuể nên phải thuê thêm dịch vụ giao hàng cho các đơn hàng lẻ. Ngoài ST 25, các loại gạo đặc sản như tám thơm Điện Biên, gạo Nàng Thơm, Đài Thơm, Thiên Vương... cũng được nhiều DN tung ra thị trường với bao bì đẹp để bán vào dịp Tết.

 

Bên cạnh các loại gạo đặc sản được đông đảo người dùng chọn mua, nhiều loại thực phẩm đặc sản cũng đang rất đắt hàng. Chị Giang (TP. Hà Nội), chuyên phân phối đặc sản Tây Bắc cho biết, Tết Nguyên đán 2021, chị đã nhận đơn hàng tăng gấp 3-4 lần so với Tết năm ngoái. Các mặt hàng rất đắt hàng như lạp xưởng (380.000 đồng/kg), ba chỉ hun khói (380.000 đồng/kg), lợn khô gác bếp (560.000 đồng/kg), trâu gác bếp (850.000 đồng/kg), chẩm chéo khô...

 

"Đa phần khách hàng mua với số lượng lớn, vừa để phục vụ nhu cầu cho gia đình, đồng thời để biếu tặng cho người thân, bạn bè, đối tác... Ngoài bán hàng, tôi còn tư vấn cách chế biến, bảo quản kỹ càng, nên khách hàng rất tin tưởng", chị Giang nói.

 

Sản phẩm OCOP vào siêu thị

 

Nắm bắt nhu cầu về mặt hàng đặc sản, các hệ thống bán lẻ cũng không kém cạnh. Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Đông cho biết, Tết Tân Sửu 2021, tại hệ thống siêu thị Co.opmart sẽ hội tụ đặc sản 3 miền Bắc - Trung - Nam như cá trắm kho làng Vũ Đại, bánh tét Trà Vinh, chả bò Đà Nẵng, măng ngâm mắc mật Lạng Sơn, giò me Nghệ An...

 

Hiện, hệ thống Co.opmart đã chuẩn bị khoảng 1,2 triệu giỏ quà Tết, trong đó chú trọng tới các mặt hàng đặc sản vùng miền như trái cây khô và các hạt dinh dưỡng.

 

Hệ thống siêu thị Hapro cũng đã tung ra thị trường nhiều sản phẩm đặc sản vùng miền. Bà Đỗ Tuệ Lâm, Phó Tổng giám đốc Hapro cho biết, hiện hệ thống siêu thị Hapro đã đưa ra thị trường toàn bộ sản phẩm đặc sản vùng miền với các tỉnh phía Bắc như miến dong, bún khô, mỳ gạo, mộc nhĩ, nấm hương của Sơn La, Bắc Giang....

 

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), hiện nay rất nhiều sản phẩm OCOP, đặc sản đã có mặt trên các quầy kệ siêu thị, được người tiêu dùng trong nước đón nhận rất tích cực. Đây là tín hiệu sáng trong sản xuất nông sản, tạo đầu ra vững chắc không chỉ ở thị trường trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu.

 

Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhận định, thị trường thực phẩm phục vụ Tết Nguyên đán 2021 sẽ cực kỳ sôi động từ ngày 15 tháng Chạp. Điều này đặt yêu cầu về việc tổ chức, phân phối hàng nông sản, thực phẩm sao cho giá cả hợp lý, chất lượng đảm bảo. 

 

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) yêu cầu các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ hàng hóa phải thực hiện đúng theo cam kết về bình ổn thị trường, thực hiện đúng giờ bán hàng, giờ mở cửa, các chương trình khuyến mãi sâu kích cầu tiêu dùng dịp Tết. Đồng thời, điều chỉnh phương thức bán hàng, kết hợp bán hàng trực tiếp với online cũng như vận chuyển, thanh toán.

 

Theo Thời báo kinh doanh


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang