Nhiều bạn bè quốc tế và địa phương khác đến Hà Nội đều có chung cảm nhận là thành phố đã có chuyển biến tích cực trong những năm gần đây. Song, nhiều ý kiến bày tỏ mong muốn, trong xu thế phát triển hiện nay, Hà Nội cần có những bước chuyển mình nhanh và vững chắc hơn nữa gắn với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Xác định được những thách thức đang đặt ra, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, xây dựng đô thị thông minh là xu thế đã được nhiều thành phố trên thế giới triển khai và Hà Nội cũng hướng tới mục tiêu này.
Do vậy, Hà Nội đã và đang tiến hành nhiều công việc để hướng tới mục tiêu xây dựng thành phố thông minh, trong đó những bước đi đầu tiên có tính chất cơ bản, nền tảng đã được quan tâm đầu tư. Chẳng hạn như, việc xây dựng các kế hoạch để số hóa toàn bộ dữ liệu hiện có, xây dựng cơ sở hạ tầng cho việc ứng dụng các dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp cũng như phục vụ cho việc quản lý, điều hành của thành phố.
Chủ tịch UBND thành phố cho biết, Hà Nội đã hợp tác với đối tác của Pháp và đang triển khai đo đạc, lập bản đồ số toàn bộ hệ thống hạ tầng giao thông, xây dựng, đất đai. Trong tương lai, bản đồ số này sẽ phục vụ tốt hơn việc quản lý, có thể chia sẻ để trở thành bộ phận cấu thành của “kinh tế số”.
Nhiều bộ phận cấu thành một thành phố thông minh cũng đang được triển khai như, việc xây dựng “Đồ án quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”; xây dựng hệ thống iParking để quản lý toàn bộ hệ thống chỗ đỗ xe tự động hay xây dựng hệ thống quản lý điều hành toàn bộ giao thông; xây dựng hệ thống bán hàng tự động... Lãnh đạo thành phố cũng đang chỉ đạo các sở, ngành liên quan chủ động thực hiện chủ trương của Chính phủ trong việc quản lý các cửa hàng dược gắn với ứng dụng công nghệ thông tin.
Tinh thần quyết liệt còn được thể hiện thông qua quan điểm của UBND thành phố trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, đẩy nhanh tiến độ xây dựng chính phủ điện tử. Chủ tịch UBND thành phố đã yêu cầu giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã phải trực tiếp chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực, gương mẫu ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường phối hợp xây dựng chính phủ điện tử.
Chủ tịch UBND thành phố còn chỉ đạo, từ nay đến cuối năm 2018, các cơ quan chức năng của thành phố phải tổ chức triển khai "Trung tâm điều hành thông minh"; có chính sách hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp nghiên cứu, đổi mới công nghệ; khuyến khích người dân tham gia sử dụng các dịch vụ công trực tuyến...
Đương nhiên, đây mới chỉ là những bước đi có tính chất “khởi động” cho một quá trình không hề đơn giản, nhất là trong thực tế, khi nền tảng xây dựng đô thị thông minh của Hà Nội còn thiếu, chưa tập trung. Vì vậy, cách làm của Hà Nội là trước hết xây dựng và hoàn thiện các chính sách thúc đẩy sự phát triển của đô thị thông minh phù hợp với điều kiện, song hành với các khâu đột phá của thành phố như, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải cách hành chính.
Ngoài ra, việc thu hút nguồn lực xã hội là chủ trương rất quan trọng trong điều kiện ngân sách thành phố còn phải dành để đầu tư cho nhiều nhiệm vụ khác. Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, kêu gọi các nguồn lực ngoài ngân sách đã và đang là hướng đi mà Hà Nội khuyến khích, với nguyên tắc nhiều nguồn lực nhưng phải được quản lý theo một quy hoạch tổng thể, ưu tiên công nghệ tiên tiến nhất...
Theo báo Hà Nội mới