Chủ Nhật, 24/11/2024 02:06:02 GMT+7
Lượt xem: 801

Tin đăng lúc 03-02-2023

Đâu là thách thức lớn cho thị trường xuất khẩu của Việt Nam năm 2023?

Tối 2/2, tại cuộc Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2023, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã nêu dự báo về tình hình xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong năm 2023.
Đâu là thách thức lớn cho thị trường xuất khẩu của Việt Nam năm 2023?
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trả lời câu hỏi của phóng viên tại cuộc Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2023.

Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, trong năm 2022, xuất siêu của Việt Nam đạt 3,6 tỷ USD, xuất nhập khẩu đạt con số kỷ lục. Đây có thể xem là một điểm sáng trong sự phát triển kinh tế của Việt Nam và công tác điều hành của Chính phủ, nhất là trong bối cảnh tình hình địa kinh tế chính trị 2022 nhiều khó khăn, phức tạp.

 

Bước sang 2023, dự báo tình hình kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, thương mại toàn cầu cuối năm 2022 có sự bộc phát và chưa thể khắc phục ngay trong đầu 2023, kể cả trong thời gian tới. Bên cạnh đó, một vấn đề ảnh hưởng lớn nhất tới hoạt động xuất khẩu là nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam giảm rõ rệt.

 

Thứ trưởng Bộ Công Thương nêu rõ các nguyên nhân: "Thứ nhất, kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn, nhất là các nền kinh tế lớn vốn là thị trường nhập khẩu hàng đầu mà chúng ta có thế mạnh như Mỹ, EU, Nhật Bản… Trung Quốc dù mới bỏ chính sách Zero COVID nhưng còn có sự phức tạp và chưa biết biến động trong thời gian tới. Thứ hai, những cú sốc về chuỗi cung ứng làm giá nguyên vật liệu tăng cao, theo đó giá thành sản xuất hàng hóa ở mức cao, khiến sức cạnh tranh hàng hóa giảm. Thứ ba, tình hình lạm phát tăng, tồn kho trên thế giới tăng cao ảnh hưởng sức cầu hàng hóa tăng cao. Nhất là mặt hàng không thiết yếu vốn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường các nước phát triển, ví dụ dệt may, da giày. Đây là thách thức lớn cho thị trường xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2023".

 

Đại diện Bộ Công Thương nhận định, tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2023 của Việt Nam cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tình hình địa chính trị, cuộc xung đột Nga-Ukraine, tình hình kiềm chế lạm phát, diễn biến thị trường có quy mô nhập khẩu lớn trên thế giới... Tuy vậy, Việt Nam có một số mặt thuận lợi khi là một trong số ít quốc gia có độ mở lớn và có nhiều hiệp định FDA đã được ký kết. 

 

"Nếu biết khai thác tốt điểm này thì đây cũng sẽ là thế mạnh trong công tác xuất khẩu của Việt Nam", Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

 

Bộ Công Thương dự kiến, chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6% so với 2022 đạt 393-394 tỷ USD, tăng thêm khoảng 22 tỷ USD. Song đây cũng là sự nỗ lực cố gắng lớn đòi hỏi sự phối hợp của Bộ Công Thương và các bộ ngành liên quan, đặc biệt các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp./.

 

Theo VOV


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang