Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide và Phu nhân sẽ có chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 18-20/10/2020 theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Như vậy, sau khi đắc cử, trong thời gian một tháng, tân Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên với điểm đến là Việt Nam. Một điều đặc biệt là khi ông Suga được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Truyền thông trong nhiệm kỳ đầu tiên của Thủ tướng Abe Shinzo vào tháng 12/2006, nước ngoài đầu tiên ông đến thăm với tư cách Bộ trưởng cũng là Việt Nam (vào đầu năm 2007).
Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide diễn ra trong bối cảnh quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản đang trên đà phát triển hết sức tốt đẹp, mạnh mẽ và thực chất trên nhiều lĩnh vực.
Hai bên thường xuyên trao đổi đoàn các cấp, nhất là đoàn cấp cao. Trong thời gian giữ chức vụ Thủ tướng Nhật Bản, ông Abe Shinzo đã thăm chính thức Việt Nam tới 4 lần vào tháng 11/2006, tháng 1/2013, tháng 1/2017 và tháng 11/2017.
Nhật Bản là nước G7 đầu tiên đón Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam tới thăm vào năm 1995 và là nước G7 đầu tiên thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược với Việt Nam vào năm 2009, nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam năm 2011, nước G7 đầu tiên mời Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng vào tháng 5/2016.
Qua hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á đã được hai bên thiết lập vào tháng 3/2014.
Hợp tác kinh tế là một trong những điểm sáng trong quan hệ hợp tác song phương giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Hiện, Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là nước tài trợ ODA lớn nhất, nhà đầu tư số 2, đối tác du lịch thứ 3 và đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam.
Về thương mại, hai nước đã dành cho nhau thuế suất tối huệ quốc từ năm 1999. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa 2 nước 9 tháng đầu năm 2020 đạt khoảng 28,6 tỷ USD. Về đầu tư trực tiếp, lũy kế đến tháng 9/2020, Nhật Bản có 4.595 dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng số vốn dầu tư đăng ký là 59,87 tỷ USD, đứng thứ 2 trong tổng số 136 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Hiện, Nhật Bản là nước cung cấp vốn vay bằng đồng Yên cho Việt Nam lớn nhất, tổng giá trị vay đến tháng 12/2019 là 2.578 tỷ Yên (tương đương khoảng 23,76 tỷ USD, chiếm 23,6% tổng vốn ký kết vay nước ngoài của Chính phủ).
Bên cạnh hợp tác kinh tế, quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực khác giữa 2 nước cũng hết sức sâu rộng và hiệu quả.
Cụ thể, hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu giữa 2 nước tiếp tục phát triển mạnh mẽ, thực chất với việc Nhật Bản liên tục cung cấp ODA những năm gần đâu cho các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam.
Về lao động, việc làm, từ năm 1992 đến nay, Việt Nam đã cử nhiều tu nghiệp sinh sang Nhật Bản. Hiện Việt Nam đứng thứ nhất về số lượng thực tập sinh nước ngoài tại Nhật Bản với hơn 230.000 người.
Quan hệ hợp tác về giáo dục và đào tạo giữa 2 nước phát triển mạnh mẽ dưới nhiều hình thức, Nhật Bản là một trong những nước viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho ngành giáo dục và đào tạo của Việt Nam. Hai bên đã ký kết nhiều văn kiện hợp tác trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo, số lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản hiện đạt hơn 80.000 người.
Về du lịch, năm 2019, lượng khách du lịch Nhật Bản vào Việt Nam đạt hơn 951.960 người.
Hợp tác giữa các địa phương 2 nước cũng được thúc đẩy mạnh mẽ, các địa phương của Việt Nam và Nhật Bản đã ký hơn 70 văn bản hợp tác.
Trong những tháng đầu năm 2020, trước những diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, hai nước vẫn duy trì trao đổi cấp cao bằng nhiều hình thức. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã điện đàm với Thủ tướng Suga Yoshihide vào ngày 12/10/2020; điện đàm 2 lần với Thủ tướng Abe Shinzo vào ngày 4/5 và ngày 4/8/2020. Hai bên cũng phối hợp lập trường tại Hội nghị đặc biệt ASEAN+3 về ứng phó với dịch bệnh COVID-19. Bên cạnh đó, hai bên cũng có nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ nhau về các trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch; hỗ trợ công dân ở mỗi nước trong công tác phòng chống dịch COVID-19…
Chuyến thăm chính thức Việt Nam lần này của Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide là dịp để lãnh đạo hai nước trao đổi và đề ra những định hướng nhằm làm sâu sắc hơn mối quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng giữa Việt Nam và Nhật Bản, với trọng tâm là quan hệ hợp tác về kinh tế, thương mại và đầu tư, trong bối cảnh tình hình khu vực đang có nhiều chuyển biến nhanh chóng và trong xu thế các nước đang muốn đa dạng hoá chuỗi cung ứng toàn cầu và Việt Nam là một điểm lựa chọn ưu tiên của nhiều doanh nghiệp Nhật Bản.
Ông Abe Shinzo khi lên cầm quyền vào tháng 12/2012, chỉ một tháng sau đó, ông đã chọn Việt Nam là nước đầu tiên để đến thăm. Và lần này, cũng khoảng thời gian một tháng sau khi đắc cử, tân Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên với điểm đến là Việt Nam. Điều này khẳng định sự đặc biệt coi trọng của các nhà lãnh đạo Nhật Bản trong thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị nhiều mặt với Việt Nam.
Chuyến thăm chính thức Việt Nam lần này của tân Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide được kỳ vọng sẽ là một dấu mốc mới, mở ra một chương mới, tiếp tục đưa qua hệ Đối tác chiến lược sâu rộng giữa 2 nước ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả, vì lợi ích và sự phát triển chung của 2 nước, 2 dân tộc, đóng góp tích cực đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới./.
Theo báo Chính phủ