Cơ khí chế tạo là ngành có vị thế quan trọng trong cung ứng các linh kiện, phụ kiện, máy móc, thiết bị và tư liệu sản xuất, đồng thời là ngành tạo động lực phát triển nhiều ngành nghề khác nhau trong xã hội. Tuy nhiên, trình độ công nghệ trong ngành còn lạc hậu, quy mô sản xuất nhỏ lẻ và phần lớn các nguyên vật liệu quan trọng vẫn phải nhập khẩu.
Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), ngành cơ khí trong nước có rất ít các phát minh, sáng chế được đăng ký, trang thiết bị và trình độ công nghệ toàn ngành còn chậm đổi mới. Các DN cơ khí thiếu đầu ra cho sản phẩm nên cũng không có cơ hội tích lũy và đầu tư đổi mới công nghệ. Đây chính là vòng luẩn quẩn trong phát triển ngành cơ khí Việt Nam.
Bên cạnh đó, hàng rào kỹ thuật trong lĩnh vực cơ khí của Việt Nam vẫn chưa phát triển đủ mạnh để bảo vệ người tiêu dùng trong nước trước hàng nhập khẩu có chất lượng không phù hợp với người tiêu dùng Việt Nam.
Ông Trần Văn Tuấn - Tổng giám đốc Công ty CP Kết cấu Thép và Thiết bị nâng Việt Nam - cho biết, sản phẩm của ngành cơ khí hiện nay có sức cạnh tranh thấp, các DN trong nước đầu tư chắp vá, dàn trải với công nghệ lạc hậu, thiết bị chậm đổi mới. Tình trạng chia cắt và phân tán trong ngành cơ khí chưa được khắc phục, năng lực nghiên cứu, tư vấn ứng dụng công nghệ tiên tiến còn nhiều hạn chế, các sản phẩm cơ khí có hàm lượng công nghệ khá mang thương hiệu Việt không nhiều.
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đòi hỏi sản xuất cơ khí phải là sản xuất thông minh với nền tảng tự động hóa, số hóa. Điều này sẽ tạo thời cơ cho ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam đi tắt, đón đầu, rút ngắn khoảng cách phát triển, đi thẳng vào hiện đại. Để tận dụng cơ hội này, đòi hỏi ngành công nghiệp cơ khí cần đầu tư nghiên cứu, tiếp cận nhanh công nghệ mới trong các lĩnh vực vật liệu, kỹ thuật số, tự động hóa, trí tuệ nhận tạo, công nghệ in 3D…
Từ góc độ DN, ông Lê Viết Sự - Phó giám đốc Công ty CP Chế tạo máy - Vinacomin - cho rằng, đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ hết sức cần thiết, mang tính chất đầu tư dài hạn, trong khi việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi lãi suất thấp rất hạn chế. Do đó, DN cơ khí thiếu vốn để đầu tư phát triển sản xuất cũng như thay thế thiết bị, nâng cao trình độ công nghệ.
“Nhìn chung, các nước phát triển trên thế giới đều có nền tảng không thể thiếu là công nghiệp cơ khí phát triển ở trình độ cao, trong khi nước ta, công nghiệp cơ khí bị tụt hậu cả về quy mô sản xuất và trình độ công nghệ. Nếu không có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ thì nguy cơ tụt hậu ngày càng lớn”- ông Lê Viết Sự nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, đại diện Cục Công nghiệp cho rằng, cần nhanh chóng hoàn thiện đồng bộ các tiêu chuẩn, quy chuẩn cho các sản phẩm cơ khí; tăng cường kết nối, chuyển giao công nghệ từ các nhà cung cấp tiên tiến trên thế giới, chú trọng các công nghệ mới của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Hình thành đầu mối kết nối, giới thiệu chuyển giao công nghệ để các DN trong nước dễ dàng tiếp cận với các nhà cung cấp công nghệ đến từ các nước tiên tiến trên thế giới.
Số lượng DN cơ khí đã tăng nhanh trong thời gian qua, từ khoảng 10.000 DN năm 2010 lên hơn 21.000 DN năm 2016, chiếm 28% tổng số DN công nghiệp chế biến, chế tạo, tạo việc làm cho hơn 1 triệu lao động. |
Theo báo Công Thương