Hiệu quả cao
Một năm trở lại đây, Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ cung cấp thịt heo sạch theo tiêu chuẩn VietGAP tại các chợ: Bà Điểm (huyện Hóc Môn), chợ Tân Định, cửa hàng của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (quận 1)… và được người tiêu dùng đón nhận.
Giữa tháng 4/2016, Công ty Vissan công bố sẽ cung cấp 100% thịt heo VietGAP trên toàn bộ hệ thống kinh doanh. Tổng giám đốc Vissan Văn Đức Mười cho biết, nguồn heo được Vissan thu mua từ các trang trại nuôi heo theo quy trình VietGAP. Tổng sản lượng thịt heo VietGAP cung ứng ra thị trường dự kiến khoảng 70 tấn/ngày.
Theo ông Phạm Minh Thiện - Giám đốc kinh doanh DN tư nhân Cỏ May (Đồng Tháp), trước nhu cầu gia tăng đối với thực phẩm sạch, đơn vị này chủ động sản xuất nấm rơm “siêu sạch” thương hiệu Cỏ May Essential. Sản phẩm có giá đắt gấp 5 lần so với nấm thông thường (140.000 đồng/kg) và chủ yếu được công ty bán qua các đại lý.
Với mặt hàng rau củ, Tập đoàn Vingroup cho biết đã đầu tư 2.000 tỷ đồng đẩy mạnh sản xuất rau sạch tại các cánh đồng mẫu lớn của nông trường Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh) và Long Thành (Đồng Nai). Toàn bộ sản phẩm rau sạch mang thương hiệu VinEco được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Ngoài ra, Vingroup sử dụng công nghệ Israel, được thiết kế theo dây chuyền tự động khép kín, cho phép sản xuất rau siêu sạch, có giá trị dinh dưỡng cao. Giá các sản phẩm rau sạch VinEco chỉ đắt hơn từ 5-10% so với giá rau thông thường.
Tương tự, ông Phan Quốc Hùng - Phó giám đốc Công ty TNHH ADC - chia sẻ: Gạo Trường Thọ được sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP tại Tiền Giang đã bán rất chạy trong thời gian qua, trung bình hàng ngày tiêu thụ hết 2-3 tấn.
Thành công nhờ công nghệ mới
Để sản xuất thực phẩm sạch, nhiều DN đã đầu tư tiền tỷ cho việc mua sắm công nghệ, quy trình truy xuất nguồn gốc, liên kết chặt chẽ với các hộ nông dân…
Ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch Tập đoàn PAN Group - cho biết: Công ty đã đầu tư gần 100 triệu USD thành lập mới, mua lại, góp vốn vào công ty trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm, từ giống cây trồng đến chế biến thủy sản, bánh kẹo, lúa gạo… nhằm tạo thành chuỗi liên kết sản xuất - cung cấp thực phẩm sạch. Sắp tới, PAN Group sẽ hoàn thiện chuỗi giá trị và xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm và truy xuất nguồn gốc để mỗi sản phẩm ra thị trường đều đạt chất lượng.
Được biết, để sản xuất ra nấm rơm “siêu sạch” theo hướng nông nghiệp hữu cơ, Cỏ May đã đầu tư khoảng 20 tỷ đồng cho các dự án và Trung tâm nghiên cứu sản phẩm mới mang hàm lượng công nghệ cao. Thời gian tới, Cỏ May tiếp tục đưa ra thị trường sản phẩm nông nghiệp hữu cơ như: Dầu cám gạo, dầu gấc, dầu mè, vitamin E, Gamma-Oryzanol… để người tiêu dùng yên tâm khi sử dụng.
Ông Trần Văn Hậu - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần nông nghiệp Hùng Hậu - khẳng định: Đầu tư công nghệ cao, sản xuất sản phẩm sạch dù rất tốn kém nhưng công ty vẫn quyết tâm thực hiện. Năm 2010, Hùng Hậu đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng sắm thiết bị công nghệ cao sản xuất cá tra phi lê, sản phẩm hải sản chế biến xuất khẩu và được các nước EU cấp giấy chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn. Tháng 4/2016, nhiều mặt hàng thực phẩm sạch làm từ nguyên liệu nông sản như nui, mì, bún khô thương hiệu Happy Noodles được công ty đưa ra vào các siêu thị Co.opmart, BigC, Lotte, chợ truyền thống sau một thời gian dài thử nghiệm. Sản phẩm bước đầu được người tiêu dùng đón nhận.
Sản xuất thực phẩm sạch là hướng đi tất yếu giúp hàng hóa của DN Việt Nam chiếm được lòng tin của người tiêu dùng, nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập.
|
Theo Báo Công Thương điện tử