Đổi mới sáng tạo “mở đường” cho nhiều thành tựu
Nhận định về thực trạng năng lực đổi mới sáng tạo và tác động của nó tới năng suất chất lượng thời gian qua, TS. Nguyễn Tiến Định, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) cho biết, yêu cầu về đổi mới sáng tạo trong ngành nông nghiệp đã được nêu trong nhiều văn kiện, quyết định của Đảng, Chính phủ như trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng về “Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế” hoặc trong Quyết định số 899/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững (Đề án 899)…
Về mặt thực tiễn, đối với ngành nông nghiệp, việc đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, lấy đổi mới sáng tạo làm bước đệm nâng cao năng suất chất lượng ngành nông nghiệp là một yêu cầu hết sức bức thiết trong bối cảnh hàng loạt những khó khăn đang bủa vây ngành nông nghiệp như ảnh hưởng từ quá trình đô thị hóa, quá trình hội nhập toàn cầu, biến đổi khí hậu, hiện tượng thời tiết cực đoan…
Cũng theo ông Định, thời gian qua, nhờ có các hoạt động đổi mới sáng tạo bộ mặt sản xuất nông nghiệp đã có những thay đổi, tiến triển tích cực. Tăng trưởng nông nghiệp được đánh giá vẫn ở mức cao, ổn định, xuất siêu nông - lâm - thủy sản liên tục tăng (kim ngạch xuất khẩu năm 2007 đạt 10,7 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD). Nông sản Việt Nam đang xuất khẩu sang 180 nước và vùng lãnh thổ, đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á, đứng thứ 15 thế giới. Việt Nam cũng đã tham gia và ký kết hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTAs), đặc biệt là Hiệp định CPTTP và Hiệp định EVFTA, qua đó mở rộng “sân chơi” cho xuất khẩu nông sản.
Với riêng từng ngành, nhờ đổi mới sáng tạo, năng suất, chất lượng các sản phẩm cũng đã được nâng cao. Đơn cử trong trồng trọt đã thực hiện việc đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ: chuyển 200.000 ha gieo trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, ngô, rau màu; Phát triển liên kết sản xuất quy mô cánh đồng lớn (cả nước có 2.262 cánh đồng lớn, chủ yếu cánh đồng lớn lúa). Việc áp dụng KH&CN, đặc biệt là công nghệ cao nhằm tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành và thích ứng với biến đổi khí hậu được chú trọng, tạo ra nhiều giống mới, giống chất lượng cao/có chứng nhận.
Điển hình như vào cuối năm 2019, tại Hội nghị thương mại gạo thế giới tổ chức tại Philippines đã công nhận giống gạo ST25 của kỹ sư Hồ Quang Cua cùng nhóm các nhà khoa học tỉnh Sóc Trăng là “gạo ngon nhất thế giới năm 2019”. Hành trình của mình cùng các cộng sự, theo ông Cua, là chặng đường gần 25 năm nghiên cứu, kiên trì vừa học vừa làm, vừa cải tiến vừa nâng cao năng suất, chất lượng.
Còn trong chăn nuôi, hoạt động đổi mới sáng tạo thể hiện ở chỗ thực hiện cơ cấu lại giống vật nuôi (thứ tự ưu tiên: lợn, gà, bò thịt, bò sữa); chuyển từ phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ sang quy mô lớn trang trại/gia trại; Phát triển chăn nuôi công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi khép kín. Nhiều tập đoàn lớn đầu tư chăn nuôi: TH, Dabaco, Thái Dương, Hòa Phát, VinEco...
Trong thủy sản, tăng cường ứng dụng rộng rãi các quy trình thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (VietGAP), nuôi trồng thủy sản có chứng nhận và đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đồng thời hướng dẫn cho ngư dân những công nghệ mới nhất để tăng hiệu quả khai thác thủy sản; Đẩy mạnh chế biến (có 636 doanh nghiệp chế biến thủy sản quy mô công nghiệp chiếm 48,9% số cơ sở chế biến thủy sản có đăng ký sản xuất kinh doanh).
Trong lâm nghiệp, tập trung nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng: phát triển trồng rừng gỗ lớn theo hướng thâm canh, chuyển hóa rừng kinh doanh gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Tỷ lệ diện tích rừng trồng từ nguồn giống có kiểm soát và chứng nhận nguồn gốc lô cây con đạt 85%; Nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ qua chế biến: nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư công nghệ mới, hiện đại. Một số doanh nghiệp đã đầu tư sản xuất sản phẩm xuất khẩu từ phế liệu, mùn cưa, dăm gỗ như viên nén năng lượng…
Kết quả trên thể hiện sự sáng tạo, đổi mới trong điều hành và bứt phá trong hành động, làm cho nông nghiệp - nông dân - nông thôn Việt Nam hòa được vào dòng chảy chung của công cuộc đổi mới và hội nhập, với nhiều lĩnh vực “tiên phong”, dẫn đường và mở đường, góp phần gia tăng sức mạnh kinh tế và tiềm lực quốc gia.
Còn nhiều điểm cần khắc phục
Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Thị Vân Hoa, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, thực tiễn cho thấy hoạt động đổi mới sáng tạo và năng lực đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay còn nhiều hạn chế. Phần lớn các doanh nghiệp chưa có chính sách phát triển nguồn nhân lực phục vụ hoạt động đổi mới sáng tạo, chưa có bộ phận nghiên cứu và phát triển sản phẩm, chưa tạo được nền tảng văn hóa cho đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, số lượng sáng chế được áp dụng vào thực tế sản xuất còn rất thấp.
Cũng theo vị này, năng lực công nghệ và đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay còn khiêm tốn, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển một nền nông nghiệp thông minh mà chủ yếu đang tăng trưởng dựa trên thâm dụng đầu vào, từ đó, các nguy cơ đối với môi trường sinh thái cũng tăng lên.
Theo thống kê của Bộ KH&CN, kinh phí cho nghiên cứu và phát triển sản phẩm của các doanh nghiệp nông nghiệp chỉ chiếm 8,39 tổng ngân sách nhà nước chi cho khoa học công nghệ và chỉ có 17,3 tổng số doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới.
“Để thúc đẩy, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo cho các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp nông nghiệp nói riêng, cần làm rõ các loại hình đổi mới, xây dựng các tiêu chí đánh giá năng lực đổi mới sáng tạo cũng như tìm hiểu, làm rõ mối liên quan giữa đổi mới sáng tạo, năng lực đổi mới sáng tạo với việc nâng cao năng suất, chất lượng, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp”, bà Hoa nói.
Cũng chính vì vậy mà Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định số 712 triển khai Chương trình quốc gia nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020. Đồng thời, Bộ KH&CN cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa giai đoạn đến 2030. Chương trình này dự kiến sẽ được Chính phủ phê duyệt vào tháng 6/2020.
Theo VietQ