Theo mục tiêu tăng trưởng đã đặt ra, năm 2024 Việt Nam tăng trưởng từ 6 - 6,5%, trong đó quý I có mức tăng trưởng tương ứng 5,2% và 5,6%. Nhìn tổng thể bức tranh kinh tế, kết quả tăng trưởng quý I đạt 5,66% đang sát với kịch bản cao (5,6%).
Đặc biệt khu vực công nghiệp đã có những kết quả tốt hơn so với kỳ vọng. Trái lại khu vực dịch vụ chưa có sự bứt phá và đóng góp tốt vào tăng trưởng như kịch bản điều hành.
"Mức tăng trưởng quý I ở mức 5,66% có thể xem là một mức không quá tốt nhưng cũng không quá xấu. Điểm sáng của tăng trưởng đầu năm là cấu phần công nghiệp và xây dựng có mức tăng 6,98% so với cùng kỳ, không phải là mức quá cao nhưng cho thấy hoạt động sản xuất và xây dựng tiếp tục phục hồi" - ông Phạm Hoàng Quang Kiệt - Phó phòng nghiên cứu và phân tích CTCP FIDT - đánh giá.
Để vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những quý còn lại, bà Nguyễn Thị Mai Hạnh - Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia, Tổng cục Thống kê - nhấn mạnh về góc độ sản xuất cần tăng cường gắn kết lưu thông với sản xuất, đẩy mạnh liên kết chuỗi nhằm kết nối cung cầu. Đảm bảo phân phối sản phẩm hàng hóa gắn với quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm. Thúc đẩy mạnh mẽ mô hình chuỗi liên kết phát triển nông nghiệp gắn với công nghiệp và xuất khẩu.
"Cần tiếp tục tìm kiếm và tích cực mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và tính cạnh tranh. Xây dựng các kênh phân phối sản phẩm, mở rộng việc tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử đảm bảo nâng cao chất lượng, dịch vụ và quyền lợi, lợi ích của người tiêu dùng, từ đó thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa trong nước và xuất khẩu" - bà Hạnh cho hay.
Theo góc độ sử dụng, bà Nguyễn Thị Mai Hạnh cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách tài khóa, tăng cường và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công.
Tiếp tục phát huy nội lực của thị trường dân số hơn 100 triệu dân bằng cách đẩy mạnh thực hiện các chính sách kích cầu tiêu dùng với các chương trình lễ hội du lịch, lễ hội mua sắm, chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa. Chú trọng đầu tư hiện đại hóa hệ thống phân phối ở vùng nông thôn, miền núi... Đối với xuất, nhập khẩu, tiếp tục rà soát, cải cách thủ tục hành chính, thủ tục hải quan hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu.
Theo Laodong.vn