Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, với nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống đại dịch Covid-19 vừa thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, ngành Công Thương đã đạt được những kết quả tích cực. Cùng với một số hiệp định thương mại đã được ký kết như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được kỳ vọng mở ra cơ hội mới cho thúc đẩy đầu tư, mở rộng thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa…
Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, thông qua Hội nghị, các ý kiến đề xuất của đại diện Sở Công Thương sẽ là tiền đề cho sự gắn kết và phát triển ngành Công Thương các địa phương trong khu vực, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội địa phương và sự nghiệp phát triển ngành Công Thương của cả nước.
Nhiều kết quả tích cực
Theo Báo cáo của Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương), tính chung 10 tháng năm 2020, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) cả nước ước tính tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2019. Đáng chú ý, khu vực đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ bao gồm 14 tỉnh, thành phố có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trưởng hơn so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, cao nhất là Hải Phòng tăng 14,18%; tiếp theo là Quảng Ninh tăng 7,58%; Hưng Yên tăng 7,07%; Thanh Hóa tăng 6,63%; Nam Định tăng 6,10 %; Ninh Bình tăng 5,42%; Hà Nam tăng 4,80%; Nghệ An tăng 4,65%; Hà Nội tăng 4,40%; Hải Dương tăng 2,10%... Một số tỉnh có chỉ số sản xuất công nghiệp giảm là Vĩnh Phúc giảm 1,63%; Bắc Ninh giảm 1,7%; Hà Tĩnh giảm 2,81%; Thái Bình giảm 6,1%.
Ông Ngô Quang Trung – Cục trưởng Cục Công Thương địa phương báo cáo tình hình hoạt động 10 tháng đầu năm 2020 khu vực đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ
Đặc biệt, việc nguồn kinh phí khuyến công quốc gia (KCQG) và khuyến công địa phương (KCĐP) được ưu tiên bổ sung tăng thêm, nội dung khuyến công phong phú, đa dạng đã hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) từng bước hình thành, phát triển các sản phẩm có thế mạnh và chủ lực của từng địa phương.
Báo cáo tại Hội nghị, ông Ngô Quang Trung – Cục trưởng Cục Công Thương địa phương cho biết: Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã ký Quyết định số 1881/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình KCQG giai đoạn 2021-2025. Đây sẽ là động lực để hoạt động khuyến công tiếp tục phát huy tối đa trong giai đoạn mới.
Thông tin về tình hình phát triển cụm công nghiệp (CCN), ông Ngô Quang Trung cho biết: Đến năm 2020, tổng số CCN theo quy hoạch của các tỉnh, thành phố trong khu vực là 645 CCN. Đến nay, có 9/14 địa phương đã ban hành Quy chế phối hợp quản lý nhà nước đối với CCN và có 8/14 địa phương đã ban hành, thực hiện chính sách hỗ trợ CCN. Tuy nhiên, do nguồn ngân sách địa phương còn hạn chế nên việc thực hiện hỗ trợ chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.
Số liệu tổng hợp từ các tỉnh, thành phố trong khu vực, tổng số chợ tới thời điểm hiện nay là 2.806 chợ, trong đó có 12 chợ đầu mối. Chia theo hạng chợ 99 chợ hạng I, 287 chợ hạng II, 2.407 chợ hạng III. Với chủ trương xã hội hóa trong việc xây dựng, cải tạo, nâng cấp các chợ ở địa phương, ngoài ngân sách hỗ trợ hàng năm, một số tỉnh, thành phố thông qua cơ chế, chính sách đặc thù đã khuyến khích, tạo điều kiện để một số doanh nghiệp, hộ kinh doanh đầu tư xây dựng, khai thác và quản lý chợ, cơ bản đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng, mua bán và trao đổi hàng hóa của dân cư.
Bà Trần Thị Phương Lan – Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết: Ngay từ những tháng đầu năm 2020, thành phố Hà Nội đã đặt ra những kế hoạch và mục tiêu cụ thể. Theo đó, ngành Công Thương thành phố đã đạt được đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức các tuần hàng Việt, hội chợ lồng ghép triển khai hiệu quả cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"… nhằm kích cầu tiêu dùng cả ở phương thức truyền thống và online; thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt…
“Có được kết quả này, sự liên kết, hợp tác phát triển ngành Công Thương trong khu vực là một trong những điều kiện quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và theo hướng bền vững” – Ông Ngô Quang Trung cho hay.
Tháo gỡ khó khăn, nỗ lực về đích
Bên cạnh các yếu tố thuận lợi, chia sẻ tại Hội nghị, Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cũng chia sẻ về những khó khăn và hạn chế trong thu hút các doanh nghiệp đầu tư trong phát triển CCN do còn nhiều lúng túng trong quy trình hướng dẫn thực hiện tại địa phương.
Đồng ý với những chia sẻ của Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, ông Bùi Quang Hải - Giám đốc Sở Công Thương Hải Phòng cho biết, ngoài những kết quả đạt được, Hải Phòng gặp phải những khó khăn trong việc định hướng về thị trường xuất khẩu nhất là khi các Hiệp định thương mại tư do mới được ký kết mà gần đây nhất là RCEP.
Đại diện Sở Công Thương Hải Phòng cũng kiến nghị cần có giải pháp tăng khả năng liên kết theo chuỗi giữa các doanh nghiệp logistics để đảm bảo cho sự phát triển bền vững của đất nước trong giai đoạn phát triển theo hướng hiện đại hóa, công nghiệp hóa và hội nhập sâu rộng với quốc tế.
Trả lời về vấn đề chợ dân sinh và hạ tầng thương mại mà đại diện các địa phương đưa ra, bà Lê Việt Nga – Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp cùng với các Bộ, ngành liên quan để hoàn thiện các văn bản để khái niệm chợ dân sinh rộng hơn, không còn chỉ riêng chợ hạng III mà ba gồm cả chợ hạng I và hạng II, để các chợ trên toàn quốc đều có thể nhận được ngân sách hỗ chợ của nhà nước để đầu tư cải tạo, nâng cấp hàng năm.
Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ đặt ra cho các tháng còn lại năm 2020, ngành Công Thương 14 tỉnh tiếp tục theo dõi, đề xuất các biện pháp giải quyết kịp thời tháo gỡ khó khăn để các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, khai thác tối đa năng lực sản xuất, kinh doanh phân phối. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp, kêu gọi đầu tư phát triển công nghiệp theo chiều sâu, chế biến, chế tạo, từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu, có sức cạnh tranh. Tăng cường, đổi mới công tác xúc tiến thương mại khai thác hiệu quả thị trường nội địa và nước ngoài, nhất là các thị trường đã ký kết FTA.
Tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM... Đặc biệt, tiếp tục triển khai các chương trình, đề án khuyến công từ nguồn kinh phí KCQG và KCĐP theo kế hoạch. Khuyến khích thu hút các nguồn lực đầu tư đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hạ tầng các CCN.
Đặc biệt, đẩy mạnh hoạt động liên kết vùng giữa ngành Công Thương các tỉnh, thành phố; chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, ứng dụng công nghệ thông tin thông qua môi trường thương mại điện tử nhằm thúc đẩy phát triển mạnh thị trường trong nước và xuất khẩu…
Ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của đại diện Sở Công Thương 14 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cũng đánh giá cao sự nỗ lực của Sở Công Thương trong khu vực. Thứ trưởng nhấn mạnh, cùng với việc triển khai các nhiệm vụ và các giải pháp hoàn thành kế hoạch của ngành Công Thương năm 2020, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố thuộc khu vực cần chủ động xây dựng kế hoạch dự phòng nhằm ứng phó nhằm giảm thiểu những tác động của dịch bệnh, thiên tai trong thời gian tới. Về công nghiệp địa phương cần chú trọng phát triển làng nghề, trong đó tập trung phát triển du lịch, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo các sản phẩm địa phương. Cần phối hợp nâng cao công tác giữa các Sở Công Thương với quản lý thị trường các tỉnh, thành phố nhằm đảm bảo sự chặt chẽ thị trường, phòng chống gian lận thương mại, buôn lậu hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng.
Thứ trưởng đặc biệt nhấn mạnh, các Sở Công Thương khu vực đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ cần đẩy mạnh hoạt động liên kết vùng, khu vực nhằm góp phần vào sự phát triển kinh tế địa phương và sự phát triển ngành Công Thương của cả nước.
Theo báo Công Thương