Chủ Nhật, 24/11/2024 09:23:01 GMT+7
Lượt xem: 1152

Tin đăng lúc 19-03-2023

Đẩy mạnh luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác CBCC trực tiếp tiếp xúc với người nộp thuế

Tổng cuc Thuế sẽ đẩy mạnh thực hiện công tác luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác, nhất là đối với các bộ phận trực tiếp tiếp xúc với người nộp thuế, bộ phận dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng.
Đẩy mạnh luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác CBCC trực tiếp tiếp xúc với người nộp thuế

Ngày 16/3/2023, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành đã ký văn bản số 740/TCT-VP gửi Thủ trưởng các Cục, Vụ, đơn vị thuộc Tổng cục Thuế và Cục trưởng Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong thực thi công vụ.

 

Nội dung văn bản số 740/TCT-VP nêu rõ, năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, mặc dù gặp nhiều khó khăn thách thức, nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, Bộ Tài chính, sự quan tâm, hỗ trợ của toàn hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương, cũng như sự phối hợp hiệu quả với các cấp, các ngành; sự nỗ lực, quyết tâm, đoàn kết thống nhất của toàn thể công chức, viên chức, người lao động, ngành Thuế đã hoàn thành toàn diện nhiệm vụ công tác thuế năm 2022.

 

Tổng thu ngân sách nhà nước do cơ quan Thuế quản lý vượt 29% dự toán, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2021; kết quả thu ngân sách nhà nước 2 tháng đầu năm 2023 đạt trên 23,3% dự toán và tăng 14,8% so với cùng kỳ, thực hiện hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số trong công tác quản lý thuế, triển khai thành công hóa đơn điện tử trên toàn quốc… được Bộ Tài chính ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao.

 

Vẫn còn phát sinh tình trạng cán bộ, công chức thuế vi phạm quy định

 

Bên cạnh kết quả đã đạt được, vẫn còn phát sinh tình trạng cán bộ, công chức thuế tại một số Cục Thuế, Chi cục Thuế vi phạm quy định về quản lý hóa đơn, chứng từ hoàn thuế giá trị gia tăng;

 

Thực hiện không đúng chức trách, nhiệm vụ khi phối hợp với các cơ quan chức năng trong giải quyết hồ sơ liên quan đến nghĩa vụ tài chính về đất đai; 

 

Không giữ vững đạo đức, tác phong, bản lĩnh chính trị trong thực thi công vụ… đã làm ảnh hưởng xấu tới hình ảnh của ngành Thuế.

 

Tổng cục Thuế yêu cầu Thủ trưởng các Cục, Vụ, đơn vị thuộc Tổng cục Thuế và Cục trưởng Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quán triệt toàn diện, đầy đủ các nội dung chỉ đạo của Bộ trưởng đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại đơn vị để nghiêm túc thực hiện.

 

Trong quá trình triển khai thực hiện, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành lưu ý và nhấn mạnh một số nội dung:

 

Một là, về tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, xác định và thu các khoản nghĩa vụ tài chính về đất đai:

 

Trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc tiếp nhận, luân chuyển hồ sơ, xác định nghĩa vụ tài chính, thông báo và trả kết quả cho người sử dụng đất đã được quy định cụ thể tại Thông tư liên tịch số 88/2016/TTLT-BTC-BTNMT ngày 22/6/2016.

 

Tuy nhiên, qua một số vụ việc phát sinh, cơ quan Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với một số công chức tại một số cơ quan thuế địa phương do thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra hồ sơ khi xác định nghĩa vụ tài chính; có hành vi nhũng nhiễu khi tiếp nhận, giải quyết hồ sơ về đất đai.

 

Do đó, đề nghị đồng chí Cục trưởng Cục Thuế quán triệt, chỉ đạo các bộ phận chuyên môn thuộc cơ quan thuế các cấp phối hợp chặt chẽ với cơ quan Tài nguyên Môi trường để đối chiếu các thông tin, hồ sơ địa chính của người nộp thuế; bổ sung đầy đủ, chính xác thông tin, tài liệu để đảm bảo thông tin giữa hai đơn vị thống nhất và đầy đủ căn cứ pháp lý khi xác định nghĩa vụ tài chính của người dân, doanh nghiệp.

 

Việc cử cán bộ tham gia vào các Hội đồng thẩm định giá đất, Tổ giúp việc Hội đồng thẩm định bảng giá đất và giá đất tại địa phương, đề nghị các Cục Thuế thực hiện đúng các nội dung hướng dẫn tại Công văn 2503/TCT-TCCB ngày 15/7/2022 của Tổng cục Thuế, cán bộ công chức thuế phải thực thi nhiệm vụ trong phạm vi quyền hạn theo quy định của pháp luật.

 

Hai là, về tạo thuận lợi trong giải quyết thủ tục hành chính thuế và phòng chống gian lận hoàn thuế, gian lận hóa đơn:

 

Kịp thời giải đáp, tháo gỡ ngay các vướng mắc cho người nộp thuế trong quá trình xử lý các thủ tục về hoàn thuế;

 

Rà soát, phân loại hồ sơ hoàn thuế, trên cơ sở đó xác định các hồ sơ đầy đủ thủ tục, đúng đối tượng, trường hợp hoàn thuế để khẩn trương xử lý, giải quyết   hoàn thuế GTGT kịp thời cho doanh nghiệp nhằm hỗ trợ người nộp thuế có thêm nguồn vốn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

 

Đối với các hồ sơ phát hiện có dấu hiệu rủi ro cao theo quy định pháp luật về quản lý rủi ro thì triển khai thực hiện các biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật và các chỉ đạo của ngành để xác minh, làm rõ, đảm bảo hoàn thuế đúng quy định pháp luật.

 

Cục Thanh tra Kiểm tra khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan để kịp thời hướng dẫn, giải đáp các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai kiểm tra, xác minh, giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng. 

 

Đồng thời, yêu cầu các Cục Thuế thực hiện nghiêm chỉ đạo của Tổng cục Thuế về công tác xác minh hóa đơn tại Công văn số 702/TCT-CNTT ngày 11/3/2022, Công văn số 1043/TCT-TTKT ngày 07/4/2022 và Công văn số 1616/TCT-TTKT ngày 17/5/2022, đảm bảo công tác giải quyết hoàn thuế GTGT kịp thời, đúng quy định.

 

Tăng cường phối chặt chẽ với các cơ quan chức năng liên quan (Công an, Hải quan, Ngân hàng, Đăng ký kinh doanh…) trong việc xác minh, trao đổi thông tin phục vụ công tác quản lý, phòng chống gian lận hoàn thuế, mua bán hóa đơn bất hợp pháp.

 

Ba là, về kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ, công chức thuế.

 

Các Cục, Vụ, đơn vị thuộc Tổng cục Thuế và Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức họp tập thể lãnh đạo, Cấp ủy và công chức chủ chốt của đơn vị để phổ biến, quán triệt và xây dựng kế hoạch, giải pháp tổ chức thực hiện nghiêm các chỉ đạo về tăng cường kỷ cương, kỷ luật và phòng chống, tham nhũng quy định tại Nghị quyết số 06-NQ/BCSĐ ngày 01/3/2023, Chỉ thị số 01/CT-BTC ngày 01/3/2023, Công văn số 1501/BTC-TCCB ngày 17/02/2023, Công văn số 2068/BTC-VP ngày 07/03/2023, Công văn số 2391/BTC-VP ngày 15/3/2023 và các nội dung, hướng dẫn chỉ đạo của Tổng cục Thuế có liên quan.

 

Yêu cầu công chức tại các bộ phận trực tiếp tiếp xúc với người nộp thuế, bộ phận dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng ký cam kết về những điều không được làm, không vi phạm nguyên tắc khi tiếp xúc với người nộp thuế... trên cơ sở chỉ đạo của Tổng cục Thuế tại Công văn số 1199/TCT-KTNB ngày 23/3/2020 và các quy định có liên quan; đồng thời phải xử lý nghiêm đối với các công chức vi phạm các nội dung đã cam kết.

 

Xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu khi vi phạm chế độ trách nhiệm hoặc khi để xảy ra tham nhũng trong đơn vị do mình quản lý, phụ trách theo đúng quy định tại Nghị định số 157/2007/NĐ-CP ngày 27/10/2007, Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ và các quy định có liên quan.

 

Đẩy mạnh thực hiện công tác luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác, nhất là đối với các bộ phận trực tiếp tiếp xúc với người nộp thuế, bộ phận dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng.

 

Ngay trong quý II/2023 tổ chức rà soát, đánh giá năng lực, phẩm chất cán bộ ở những khâu dễ xảy ra vi phạm; xây dựng kế hoạch và tổ chức tập huấn các nội dung về chính sách thuế, về thủ tục hành chính thuế, về quy trình, thủ tục quản lý thuế cho công chức, giúp công chức nắm vững, kịp thời bổ sung, cập nhật những quy định mới, nắm bắt những vấn đề dễ xảy ra sai sót, vi phạm, để nâng cao kiến thức, phục vụ tốt cho thực thi công vụ.

 

Rà soát để bổ sung, hoàn thiện các quy định, quy trình, biện pháp trong công tác kiểm tra nội bộ, phòng chống tham nhũng để tăng cường việc kiểm tra, giám sát, ngăn chặn kịp thời các vi phạm, khuyết điểm có thể xảy ra; kịp thời phát hiện các khuyết điểm, vi phạm nếu có của công chức, viên chức, kết luận cụ thể về hành vi, mức độ vi phạm để kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý nghiêm theo đúng quy định.

 

Bốn là, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra nội ngành

 

Tăng cường nắm bắt thông tin đa chiều, lắng nghe ý kiến của người nộp thuế, thu thập các thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng; 

 

Tổ chức thực hiện kiểm tra xác minh khi có thông tin về vi phạm, tồn tại trong công tác quản lý thuế, các hành vi tiêu cực của cán bộ, công chức thuế; 

 

Xử lý kịp thời, nghiêm khắc các trường hợp vi phạm để răn đe, làm gương, đặc biệt là các trường hợp tái phạm, có tổ chức, có tính chất nghiêm trọng, có tính hệ thống, các vấn đề được xã hội quan tâm.

 

Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra nội bộ và tập trung nguồn lực để tổ chức tốt công tác kiểm tra nội bộ hàng năm. Tổng cục Thuế sẽ thành lập các tổ kiểm tra đột xuất tại các đơn vị về thực thi công vụ, chấp hành kỷ luật kỷ cương. 

 

Đồng thời, các Cục Thuế tổ chức triển khai thành lập các Tổ kiểm tra công vụ đột xuất tập trung vào các địa bàn, các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, các bộ phận trực tiếp tiếp xúc với người nộp thuế để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm của công chức thuế trong quá trình thực thi công vụ theo quy định.

 

Thủ trưởng các Cục, Vụ, đơn vị thuộc Tổng cục Thuế và Cục trưởng Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai ngay các nội dung chỉ đạo của Tổng cục Thuế tại công văn này, trong quá trình triển khai thực hiện nếu có vướng mắc, báo cáo về Tổng cục Thuế để được hướng dẫn chỉ đạo./.

 

Theo Baochinhphu.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang