Thứ Sáu, 22/11/2024 16:39:25 GMT+7
Lượt xem: 2028

Tin đăng lúc 23-12-2017

Đẩy mạnh thị trường bán lẻ ở nông thôn là việc làm cần thiết

Nước ta giờ đây đang trong quá trình đẩy nhanh tiến độ công nghiệp hóa nhằm giảm tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế. Song, cơ cấu dân số nông thôn tại các địa phương vẫn chiếm trên 70% dân số cả nước (khoảng 65 triệu người). Dân số đông là vậy, có thể khẳng định nông thôn là địa bàn rất giàu tiềm năng để phát triển thị trường bán lẻ, vậy mà thị trường này dường như vẫn bị bỏ ngỏ, mặc dù đã có nhiều cố gắng, triển khai nhiều giải pháp nhưng xem ra hiệu quả mang lại chưa mấy khả quan.
Đẩy mạnh thị trường bán lẻ ở nông thôn là việc làm cần thiết

So với khoảng 10 năm trước thì đời sống người dân ở các vùng nông thôn trong cả nước hiện nay đã được cải thiện đáng kể, đặc biệt ở các địa phương có tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa cao.

 

Theo Công ty Nghiên cứu thị trường (TNS) về thị trường nông thôn Việt Nam, thì vùng nông thôn Việt Nam đang chiếm khoảng 65% tổng GDP và có số lượng khách hàng tiêu dùng lớn gấp 3 lần khu vực thành thị; Số người có thu nhập 1,5 triệu đồng/tháng ở nông thôn ngày càng nhiều. Khi thu nhập cao thì nhu cầu cuộc sống cũng tăng theo. Vậy mà, thực tế cho thấy thị trường bán lẻ ở nông thôn vẫn còn “ảm đạm”, do nhiều nhà đầu tư còn e ngại đầu tư vào địa bàn này vì vốn thu hồi thường chậm lại gặp nhiều rủi ro. Bên cạnh đó còn có không ít người vẫn nặng quan niệm, thị trường nông thôn chỉ có thể tiêu thụ những sản phẩm rẻ tiền, mà lại không nhìn ra tiềm năng lâu dài và ổn định của thị trường này (nơi chiếm tới 2/3 dân số cả nước). Qua thống kê của Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ doanh nghiệp cho thấy: Mặc dù nhiều năm qua, Việt Nam phải chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhưng hàng hóa trên thị trường Việt Nam vẫn có sức tiêu thụ cao (dù tốc độ tăng trưởng có giảm so với một vài năm trước). Yếu tố đảm bảo cho thị trường không bị chao đảo nhiều là vì sức mua ở cả thị trường thành thị và nông thôn vẫn ổn định, đặc biệt là thị trường nông thôn - nơi tiêu thụ tới gần 2/3 lượng hàng hóa tiêu thụ trong cả nước. Mặc dù chiếm tỷ trọng cao như vậy nhưng hệ thống bán hàng của các doanh nghiệp có vốn Nhà nước lại chưa chiếm lĩnh được thị phần ở khu vực này. Trái lại, các doanh nghiệp tư nhân vẫn là chủ yếu, với sự năng động và dám chấp nhận rủi ro. Ở một thị trường khan hiếm tiền mặt, trông chờ chủ yếu vào kết quả của mùa vụ thu hoạch. Với sự bấp bênh như vậy có chăng chỉ có nhà đầu tư nào dám chấp nhận theo đuổi “cuộc chơi” thì mới có cơ hội tồn tại được. Do những yếu tố kém hấp dẫn đó nên địa bàn nông thôn chưa hấp dẫn được nhà đầu tư trong nước nên hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng của các quốc gia lân cận lọt qua cửa khẩu bằng con đường tiểu ngạch... thỏa sức tung hoành.

 

Để thị trường bán lẻ được phát triển bền vững, hoạt động ổn định thì khâu tiếp thị thị trường luôn phải đi trước một bước, nhằm tạo cơ sở cho những hoạch định chính sách phát triển thị trường lâu dài. Thực tế cho thấy, thị trường nội đang chịu nhiều ảnh hưởng bởi các chiêu thức tiếp thị của các công ty nước ngoài. Với nhiều năm kinh nghiệm, với sân chơi quen thuộc của mình để rồi nhìn vào lại thấy hoạt động bán lẻ ở nước ta thực sự chưa có sức lan tỏa bởi thực sự, chưa có nhiều nhà phân phối bán buôn, các tập đoàn bán lẻ chuyên nghiệp, hùng mạnh, đẳng cấp mới chỉ xuất hiện lác đác. Nếu, chỉ nhìn nhận ở khía cạnh thị trường bán lẻ thì quả là đáng buồn. Ở đây phải nhìn nhận một cách khách quan, các doanh nghiệp nước ta khi dang rộng vòng tay để đón nhận kinh tế thị trường, doanh nghiệp nào cũng muốn “nổi” nhanh, để rồi tìm đến con đường ngắn nhất là đầu tư cho hàng hóa xuất khẩu. Cho nên, trong một thời gian dài thị trường trong nước, thị trường nông thôn chưa được khai thác đúng mức, bỏ ngỏ cho hàng kém chất lượng, hàng ngoại nhập thao túng.

 

Mặc dù, tiềm năng phát triển thị trường nông thôn đã được khẳng định, song  đến nay thị trường ở khu vực này vẫn nhận được quá ít sự quan tâm đầu tư của các doanh nghiệp. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế có uy tín, lúc này đây cần phải nhanh chóng khôi phục thị trường nông thôn. Để làm được điều này thì cần phải cân đối lại hệ thống chợ, trung tâm thương mại. Bởi, với thực trạng hiện nay  bình quân cứ 2 xã mới có một chợ. Thậm chí ở miền núi, vùng sâu, vùng xa thì 6-7 xã mới có một chợ, điều này đã khiến cho sức tiêu thụ hàng hóa giảm đáng kể. Ngoài ra, yếu tố giá cao cũng là một nguyên nhân làm giảm khả năng tiêu dùng của người dân các vùng nông thôn... Đây là yếu tố cần được các doanh nghiệp quan tâm nghiêm túc trong suốt lộ trình hoạch định chính sách phát triển của mình. Kinh nghiệm của một số doanh nghiệp đã khởi nghiệp lâu dài ở thị trường nông thôn cho thấy, các doanh nghiệp muốn đến được với thị trường đặc thù này thì phải luôn luôn có nguồn hàng dự trữ. Có vậy mới đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa. Và khâu tiếp thị thị trường cũng rất quan trọng, nơi mà những thông tin về hàng hóa không được cập nhật hàng ngày thì vấn đề tuyên truyền cho người tiêu dùng về sản phẩm hàng hóa là hết sức cần thiết.    

 

Anh Thư


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang