Trong đó, nhấn mạnh vai trò của Bộ Công Thương - cơ quan chủ trì, thường trực Ban chỉ đạo đã cố gắng, nỗ lực, góp phần cùng cả nước thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia về SDNLTK&HQ (VNEEP3).
Theo Báo cáo của Bộ Công Thương, sau khi có Quyết định 280/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt chương trình VNEEP3, Bộ đã phối hợp với các Bộ, ngành địa phương xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình năm 2020 và giai đoạn 2021-2025, hoàn thiện khung kế hoạch 5 năm bám sát 9 hợp phần của Chương trình; Rà soát, xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý, hỗ trợ kỹ thuật, tài chính thúc đẩy TKNL; Xây dựng trung tâm dữ liệu năng lượng Việt Nam; Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học và đề xuất thành lập Quỹ Thúc đẩy SDNLTK&HQ. Đặc biệt, Bộ đang nghiên cứu, xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định 21/NĐ-CP quy định chi tiết biện pháp thi hành Luật SDNLTK&HQ. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương sớm ban hành Thông tư hướng dẫn lập, quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình và triển khai xây dựng thí điểm Quỹ TKNL nhằm tạo thị trường vốn cho các hoạt động TKNL... Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đang phối hợp với các Bộ liên quan hoàn thiện thẩm định, ký kết Hiệp định tài trợ đối với Chương trình Chuyển đổi năng lượng bền vững Việt Nam – EU giai đoạn 2021-2025 do Liên minh châu Âu tài trợ.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, TKNL mang lại rất nhiều lợi ích, giúp giảm chi phí sản xuất, giảm đầu tư cho lĩnh vực năng lượng, góp phần bảo vệ môi trường, do đó, Chính phủ đã đề ra Chương trình Mục tiêu quốc gia về SDNLTK&HQ. “Thực hiện Chương trình này, các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân đã rất tích cực, đem lại hiệu quả rõ rệt, nên trong giai đoạn 2006-2010 tổng năng lượng tiêu thụ đã giảm 3,4% và giảm 5,6% trong giai đoạn 2011-2015”. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng cho rằng, việc thực hiện TKNL vẫn còn những hạn chế nhất định, trong đó tiêu hao năng lượng/đơn vị sản phẩm trong nhiều ngành còn cao. Tình trạng sử dụng năng lượng lãng phí, kém hiệu quả vẫn còn tồn tại ở nhiều ngành, lĩnh vực, địa phương, trong khi đó, nhận thức của cộng động còn hạn chế, nhiều doanh nghiệp, chủ hộ chưa ưu tiên thực hiện các biện pháp TKNL. Đặc biệt, là các doanh nghiệp còn khó khăn trong việc tiếp cận các khoản vay tín dụng thực hiện dự án TKNL...
Kết thúc Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Công Thương với trách nhiệm là cơ quan chủ trì và cũng là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo cần nhanh chóng hoàn thiện khung khổ hệ thống pháp lý, khẩn trương phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương từng bước đẩy mạnh TKNL trong các ngành, lĩnh vực, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống nhân dân, thúc đẩy phát triển xanh, bền vững.
Mai Hương