Theo Sở Công Thương Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 1.872 cửa hàng kinh doanh trái cây (bao gồm cả cửa hàng đã được gắn biển nhận diện kinh doanh trái cây an toàn), trong đó có 650 cửa hàng chuyên doanh, 1.222 cửa hàng kinh doanh tổng hợp có trái cây. Đối với những cửa hàng còn lại, thành phố Hà Nội đã xây dựng kế hoạch cấp biển nhận diện kinh doanh trái cây an toàn từ nay đến hết năm 2021. Giai đoạn 2022-2025, Thành phố triển khai quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây đồng bộ trên 30 quận, huyện, thị xã, phấn đấu 100% cửa hàng kinh doanh trái cây đủ điều kiện để cấp biển nhận diện an toàn. Đồng thời xóa bỏ điểm kinh doanh trái cây không bảo đảm an toàn thực phẩm và trật tự đô thị.
Bà Hoàng Thị Diệu Hồng, Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương Hà Nội) cho biết, đến nay toàn Thành phố có 809 cửa hàng kinh doanh trái cây đã được cấp biển nhận diện, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, chiếm tỷ lệ khoảng 40% tổng số cửa hàng kinh doanh trái cây. Đáng chú ý, trên địa bàn 12 quận đã xây dựng được 40 tuyến phố thí điểm không kinh doanh trái cây trên lòng đường, vỉa hè (trong đó, quận Thanh Xuân 11 tuyến, Cầu Giấy 8 tuyến, Hà Đông 5 tuyến, Đống Đa 4 tuyến, Hoàn Kiếm 4 tuyến...).
“Bên cạnh đó, Sở Công Thương đã xây dựng hệ thống thông tin điện tử ứng dụng mã QR truy xuất nguồn gốc trái cây, cấp mã QR cho 460 doanh nghiệp với tổng số hơn 5.500 mã sản phẩm được quản lý”, bà Hoàng Thị Diệu Hồng thông tin.
Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, qua việc thực hiện cấp biển nhận diện, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho các cửa hàng kinh doanh trái cây, người kinh doanh đã chủ động chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm, người tiêu dùng thay đổi thói quen, mua sắm hàng hóa rõ nguồn gốc, hoạt động kinh doanh cũng đã thay đổi tích cực.
Thực tế, việc được gắn biển nhận diện cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn đã đem lại những lợi ích thiết thực. Việc được gắn biển nhận diện giúp các cửa hàng được người tiêu dùng tin tưởng, lượng hàng bán ra cao hơn.
Cũng theo bà Trần Thị Phương Lan, Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp cùng các sở, ngành liên quan, lực lượng quản lý thị trường siết chặt giám sát chất lượng, thanh kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân kinh doanh trái cây không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn thực phẩm, ngăn chặn sản phẩm trái cây không bảo đảm chất lượng lưu thông trên thị trường.
Thêm vào đó, lực lượng chức năng cũng kiên quyết giải tỏa các điểm kinh doanh lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, nơi công cộng. Thống kê cho thấy, các đội quản lý thị trường đã kiểm tra 290 vụ, xử lý 159 vụ, phạt hành chính gần 237 triệu đồng.
Tháng 8/2020, UBND TP. Hà Nội đã ban hành kế hoạch triển khai đề án “Tăng cường quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn giai đoạn 2020 - 2025”. Theo đó, yêu cầu các sở, ngành khảo sát, rà soát thực trạng hoạt động kinh doanh trái cây của các cửa hàng để hỗ trợ các chủ cơ sở kinh doanh trái cây bổ sung, hoàn thiện thủ tục, điều kiện cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm; cấp biển nhận diện cho các cửa hàng kinh doanh trái cây đủ điều kiện.
Nói về kế hoạch trong thời gian tới, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, từ nay đến hết năm 2020, Sở tập trung xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý hoạt động kinh doanh trái cây của thành phố. Trong năm 2021, ngành Công Thương Thủ đô sẽ hướng dẫn, đôn đốc các cửa hàng hoàn thiện thủ tục, điều kiện theo quy định (tập huấn cho người bán hàng; có đủ phương tiện bảo quản, giám sát chất lượng sản phẩm; bảo đảm nguồn gốc sản phẩm...) để được cấp biển nhận diện cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn.
Đặc biệt, vào thời điểm cuối năm, khi nhu cầu tiêu thụ trái cây tăng đột biến, lực lượng chức năng sẽ tăng cường thanh kiểm tra, nhất là đối với các cửa hàng đã cấp biển nhận diện. “Trong trường hợp các cửa hàng này không đáp ứng được yêu cầu thì chúng tôi sẽ thu hồi biển nhận diện. Đồng thời, Hà Nội sẽ tiến hành công khai danh sách các cửa hàng, địa điểm kinh doanh trái cây vi phạm quy định trên các phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng nắm rõ”, bà Lan nhấn mạnh.
Về lâu dài, TP.Hà Nội tiếp tục xây dựng, phát triển chuỗi sản xuất, tiêu thụ trái cây an toàn kết hợp khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, truy xuất nguồn gốc… nhằm nâng cao tính cạnh tranh và xây dựng thương hiệu trái cây an toàn Thủ đô.
Theo VietQ