Những ngày Tết, gia đình nào cũng có khá nhiều bánh chưng, bánh tét. Đây là món ăn cổ truyền không thể thiếu vào dịp Tết. Món ăn nếu không giữ cẩn thận sẽ dễ bị ôi thiu, lên nấm mốc, tuy nhiên nếu biết cách lại có thể bảo quản được khá lâu.
Ngoài những nguyên tắc như lá gói bánh phải rửa sạch bằng nước ấm, lau bằng khăn sạch, phơi cho thật khô ráo, gói bánh thật chặt tay, bánh luộc chín thật kỹ, bánh phải thật ráo nước sau khi luộc, bạn cần nhớ những điều sau để bánh có thể bảo quản được lâu hơn:
Dao cắt phải sạch
Để bánh bảo quản được lâu hơn, bạn nên dùng dao sạch để cắt bánh. Không dùng dao dính những thực phẩm khác nếu không bánh sẽ nhanh hỏng hơn sau khi cắt. Bạn có thể dùng chính sợi dây lạt gói bánh để chia bánh ra nhiều phần mà không cần phải dùng dao.
Không cắt thừa
Lưu ý rằng bạn đừng nên cắt sẵn hết cả chiếc bánh chưng hay đòn bánh tét vì hai món ăn này có kích thước khá lớn. Nếu nhiều người ăn thì bạn cắt nhiều còn nếu ít người chỉ nên lấy lượng vừa đủ. Lý do là bởi khi cắt ra, bánh tiếp xúc với không khí, bụi bặm, sẽ dễ sinh vi khuẩn, dễ hỏng và không còn ngon như trước.
Do đó, phần còn lại sau khi cắt, bạn nên bọc thật kỹ bằng lá hoặc màng bọc thực phẩm và cất trong tủ lạnh. Mỗi khi dùng bạn có thể hấp cách thủy hoặc dùng lò vi sóng hâm nóng lại.
Bảo quản bánh trong tủ lạnh
Nếu bánh đã được cắt ra, bạn nên gói bánh kỹ rồi cất vào ngăn mát tủ lạnh. Còn nếu bánh chưa dùng và bạn muốn bảo quản lâu hơn nữa, hãy cất bánh vào trong ngăn đá tủ lạnh nhưng phải bọc trong túi ni lông kín khí và ép hết không khí ra.
Trước khi ăn, bạn chuyển bánh lên ngăn mát để rã đông. Còn nếu không có thời gian, bạn có thể ngâm túi bánh vào trong thau nước mát để bánh rã đông.
Trong trường hợp phát hiện ra bánh bị nấm mốc ở ngoài lớp lá, bạn cần kiểm tra kỹ. Nếu nấm mốc chỉ ở lớp lá bên ngoài, bạn có thể hơ ở bếp gas lửa nhỏ hoặc cho bánh vào nồi luộc lại. Nhưng nếu nấm mốc đã vào trong bánh, bạn cần vứt đi, không dùng nữa.
Nguồn Emdep