Thứ Bẩy, 05/10/2024 08:05:12 GMT+7
Lượt xem: 174

Tin đăng lúc 18-08-2024

Để du lịch nông nghiệp thực sự “cất cánh”

Phát triển du lịch xanh, thân thiện với môi trường sinh thái, tìm về nông thôn để trải nghiệm du lịch là một trong những xu hướng đang được ưa thích.
Để du lịch nông nghiệp thực sự “cất cánh”
Du khách hái trà trong tour du lịch vườn chè ở Đà Lạt, Lâm Đồng

Tiềm năng để phát triển loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn ở nước ta rất phong phú và đa dạng, trải dài từ Bắc vào Nam, từ vùng miền núi phía Bắc đến đồng bằng sông Hồng, khu vực miền Trung, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long… Vì vậy phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn là một định hướng quan trọng trong các chiến lược, chương trình, đề án phát triển du lịch Việt Nam.

 

Trong thời gian vừa qua, du lịch nông nghiệp, nông thôn đã có sự phát triển nhất định, mang lại sắc thái mới, sức sống mới ở khu vực nông thôn. Nhiều mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn đã phát huy hiệu quả, thu hút sự quan tâm của du khách.

 

Theo đánh giá của Tổ chức Du lịch thế giới, số lượng khách tham gia vào loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn chiếm 10% với doanh thu khoảng 30 tỷ USD. Tại Việt Nam, du lịch nông nghiệp, nông thôn là một trong những thế mạnh đang được nhiều địa phương tập trung khai thác. Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, du lịch nông nghiệp, nông thôn là một trong những mũi nhọn trong định hướng phát triển của du lịch Việt Nam, mang lại lợi ích kinh tế lớn cho các địa phương.

 

Tuy nhiên, du lịch nông nghiệp, nông thôn vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Không ít mô hình còn mang tính tự phát, sao chép lẫn nhau, thiếu khác biệt, thiếu gắn kết, chưa quan tâm chia sẻ lợi ích với cộng đồng… Trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, du lịch nông nghiệp, nông thôn là một trong những nội dung được Chính phủ quan tâm đẩy mạnh, trong đó đặc biệt đề cao đến giữ gìn bản sắc văn hóa và phát huy vai trò của cộng đồng. Đến nay, dù đã có nhiều chuyển biến tích cực, song hình thức này vẫn chưa thật sự trở thành sản phẩm mũi nhọn.

 

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, hoạt động du lịch gắn với nông thôn tại Việt Nam phần lớn mới chỉ đáp ứng nhu cầu tham quan, ăn uống của du khách ở mức đơn giản… Bên cạnh đó, nhiều địa phương xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn giống nhau nên chưa tạo được sức hút với du khách.

 

Để du lịch nông nghiệp thực sự “cất cánh”, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần xây dựng một chiến lược và kế hoạch phát triển du lịch bền vững gắn liền với du lịch nông nghiệp, nông thôn, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để giải quyết những vấn đề này và khai thác tiềm năng của ngành trong tương lai. Theo đó, các cấp ngành, địa phương cần có quy hoạch bài bản cơ sở hạ tầng, diện tích đất sản xuất gắn với tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, vùng miền.

 

Bên cạnh đó, cần tạo thành chuỗi liên kết giữa du lịch nông nghiệp, nông thôn với các loại hình du lịch khác, chú trọng yếu tố cộng đồng, bản sắc văn hóa truyền thống của mỗi địa phương.

 

Đồng thời, đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số các điểm du lịch nông thôn được số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số; các điểm du lịch nông thôn được giới thiệu xúc tiến quảng bá, ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch.

 

TS. Nguyễn Anh Phong, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Ipsard), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khuyến nghị các địa phương cần có chính sách đất đai cho loại hình này, dựa trên điều kiện của từng địa phương như phát triển hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, văn hóa, môi trường… Tăng cường kết nối du lịch với cộng đồng, hình thành các “điểm đến vệ tinh” gắn với các trung tâm du lịch lớn.

 

Ông Phạm Hải Quỳnh - Viện trưởng Viện phát triển du lịch châu Á, kiêm Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam nhấn mạnh: “Cần thúc đẩy việc hoàn thiện quy hoạch du lịch cho các vùng đất nông nghiệp được phép làm du lịch. Cần xây dựng các chuỗi cung ứng đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm cho sản phẩm du lịch nông nghiệp. Khuyến khích việc đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng nông nghiệp tại các điểm du lịch, bao gồm trang trại, vườn cây, khu chế biến nông sản địa phương…”.

 

Được biết, vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký kết Chương trình phối hợp trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn hiệu quả và bền vững giai đoạn 2024-2030.

 

Theo Trung tâm Thông tin, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, việc phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn không chỉ mang lại những sản phẩm độc đáo, mới lạ cho khách du lịch mà còn giúp khai thác các giá trị kinh tế đầy tiềm năng từ nông thôn, nông nghiệp, mở ra hướng mới cho tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, cải thiện cơ sở hạ tầng ở vùng nông thôn, mang lại lợi ích bền vững hơn cho cộng đồng dân cư ở nông thôn.

 

Theo Diendandoanhnghiep.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang