Hiện 5G vẫn đang trong quá trình thử nghiệm mạng lưới và dịch vụ, tuy nhiên, theo các chuyên gia, tiến độ phát triển chậm so với kỳ vọng, cần tăng tốc để sớm đưa vào ứng dụng đại trà.
Hạ tầng phải đủ mạnh
Nếu như khi mới bắt đầu thử nghiệm 5G ở Việt Nam cách đây hơn 2 năm, mạng 5G chờ smartphone, máy tính bảng… cập nhật công nghệ thì nay thiết bị lại phải chờ 5G. Trong khi các thương hiệu lớn đều đã có smartphone 5G bán ở Việt Nam với nhiều mẫu mã, thậm chí mở rộng phân khúc phổ biến khoảng 5 triệu đồng thì tốc độ phát triển mạng 5G đang có vẻ chững lại. Thực tế hiện nay 5G ở Việt Nam hầu như được coi như một sự nâng cấp của 4G về tốc độ, chứ chưa được ứng dụng rộng hơn về tính năng và tiện ích của công nghệ này.
Trong tháng 11-2020, sau thời gian thử nghiệm kỹ thuật từ cuối năm 2019, 3 nhà mạng lớn Viettel, MobiFone và VinaPhone đã lần lượt công bố kế hoạch thử nghiệm thương mại và triển khai mạng 5G tại Việt Nam, nhất là ở Hà Nội và TP HCM. Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT), đến tháng 6-2022, 3 nhà mạng này đã thử nghiệm dịch vụ 5G tại 40 tỉnh, thành. Việc đầu tư triển khai mạng và dịch vụ 5G ở Việt Nam được tiến hành theo nguyên tắc hạ tầng mạng lưới phải đi trước một bước. Có lẽ rút kinh nghiệm từ các công nghệ trước đây, hạ tầng mạng phải đủ mạnh mới tạo nền tảng tốt cho việc ứng dụng các công nghệ mới mà 5G mang lại.
Một số chuyên gia cho rằng tốc độ triển khai thương mại 5G đang bị chậm có nguyên nhân từ việc đấu giá băng tần 5G lâu nay gặp vướng mắc về pháp lý. Bộ TT-TT luôn tích cực tìm cách gỡ vướng nhưng việc này lại bị phụ thuộc nhiều cơ quan khác. Vì lẽ đó, đến nay mạng 5G ở Việt Nam vẫn chưa được cấp băng tần chính thức. Bên cạnh đó, tình hình kinh tế chung toàn cầu sau đại dịch COVID-19 đang gặp nhiều khó khăn cũng ảnh hưởng tới các kế hoạch đầu tư 5G. Các nhà mạng có vẻ cẩn trọng hơn. Ông Huỳnh Quang Liêm, Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT - đơn vị chủ quản mạng di động VinaPhone, từng chia sẻ: "Việc đầu tư 5G diện rộng chỉ được thực hiện khi nhu cầu và tỉ lệ người dùng đạt quy mô nhất định". Theo thống kê, sau 18 tháng thử nghiệm thương mại, thuê bao 5G chỉ đạt 0,54% (khoảng hơn 360.000 thuê bao) trong tổng số hơn 71 triệu thuê bao băng rộng di động (3G, 4G, 5G) ở Việt Nam.
Tại Hội nghị Triển lãm thế giới số 2021, Bộ TT-TT đã đưa ra sáng kiến là 3 nhà mạng di động lớn nhất của Việt Nam sẽ chung tay đầu tư và sử dụng chung mạng 5G. Vào tháng 5-2019, Việt Nam là một trong những nước đầu tiên thử nghiệm thành công gọi điện thoại bằng công nghệ 5G. Ông Denis Brunetti - Chủ tịch Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào, hãng Thụy Điển cung cấp hạ tầng 5G và đồng hành với Việt Nam từ ban đầu - cho rằng với lộ trình mà Việt Nam đang đi, có thể đến năm 2024-2025, Việt Nam sẽ có thể triển khai 5G đại trà. Ông Denis Brunetti cho biết Việt Nam được đánh giá cao là một trong những quốc gia bắt đầu sớm với 5G.
Nếu 4G đã là một bước tiến vượt trội so với 3G thì 5G là một sự thay đổi cho một kỷ nguyên mới về kết nối di động. Sự nổi trội của 5G so với 4G được nhận biết trước tiên là tốc độ. 5G có tốc độ tải xuống (download) tiềm năng lên đến 20 Gbps (so với 1 Gbps của 4G). Còn theo Tech Target, điều khác biệt lớn nhất giữa 5G và 4G là độ trễ. Trong khi 4G có độ trễ 60-98 ms thì 5G chỉ ở dưới 5 ms, thậm chí được coi như bằng 0.
Chính ưu thế độ trễ cực thấp như vậy, gần như là thời gian thực, nên 5G có khả năng phục vụ cho nhiều ứng dụng thông minh. Với ưu thế vượt trội về tốc độ so với 3G (tốc độ download 1 Gbps so với 21 Mbps), 4G ứng dụng hiệu quả cho internet di động, phát trực tiếp video HD. Còn 5G là công nghệ lý tưởng cho các ứng dụng nhà thông minh và thành phố thông minh được kết nối, nhà máy thông minh, internet vạn vật (IoT), các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo VR, xe tự hành, các tác vụ điều khiển từ xa…
Cần chính sách thúc đẩy phát triển 5G
Theo Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông (NIICS) thuộc Bộ TT-TT, 5G được kỳ vọng sẽ có tác động lớn đến nền kinh tế toàn cầu, dự báo tạo ra khoảng 13.100 tỉ USD và 2 triệu việc làm mới vào năm 2035. Tỉ lệ đóng góp của 5G vào tăng trưởng GDP của Việt Nam được dự báo sẽ đạt 7,34% vào năm 2025. Cơ quan quản lý và điều hành viễn thông của Việt Nam cũng xác định 5G không chỉ là để nghe thoại.
Tập đoàn VNPT đã kiến nghị Chính phủ, Bộ TT-TT có chính sách thúc đẩy phát triển hệ sinh thái 5G trong các ngành nghề của nền kinh tế như công nghiệp, dịch vụ..., hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn đầu triển khai 5G. Tập đoàn Công nghệ Intel nhận định: "Tương lai của 5G vẫn đang được viết ra và nó có thể quan trọng đối với khả năng kết nối như buổi bình minh của internet. 5G có thể thay đổi cuộc sống của bạn".
Trung Quốc là nước ứng dụng 5G đa mục đích hàng đầu thế giới, chủ yếu nhờ thế mạnh công nghệ, trong đó Huawei là một trong những đơn vị có số lượng bằng phát minh - sáng chế về 5G đứng hàng đầu thế giới. Hiện Huawei đã giới thiệu một cấp độ mới của 5G là 5.5G với nhiều ưu điểm hơn. Ứng dụng 5G đã được Huawei đẩy mạnh trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, thử nghiệm trong mỏ khai thác khoáng sản, cảng biển… Hãng Apple đã ứng dụng công nghệ 5G để tăng hiệu quả cho tính năng phát hiện tai nạn của đồng hồ Apple Watch. 5G hỗ trợ đắc lực cho ôtô tự lái và ôtô thông minh kết nối. Vào năm 2019, chính quyền Đài Loan - Trung Quốc đã công bố "Kế hoạch hành động 5G", gồm khoản tài trợ lên tới 658 triệu USD trong 4 năm để kích thích sự phát triển 5G trên toàn lãnh thổ này. Cơ quan Phát triển Thung lũng Silicon châu Á (ASVDA) của Đài Bắc đã công bố chương trình khuyến khích 5G với khoản tài trợ 90 triệu USD để thúc đẩy các ứng dụng đổi mới 5G/AI cho các thành phố thông minh.
Các chuyên gia kỳ vọng năm 2024-2025 sẽ bắt đầu thời kỳ 5G phát triển đại trà ở Việt Nam. Vì vậy, ngay từ bây giờ, các tổ chức, doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch đón đầu sẵn sàng để có thể khai thác ngay các ưu thế của mạng 5G càng sớm càng tốt.
Theo NLĐ