Chủ Nhật, 08/12/2024 00:35:35 GMT+7
Lượt xem: 8496

Tin đăng lúc 06-02-2015

Để ngành Xăng dầu tăng cơ hội giảm giá cho người tiêu dùng

LTS: Năm 2014, là một năm khó khăn với nền kinh tế trong nước, nhưng ngành Xăng dầu vẫn hoạt động khá hiệu quả, trong đó, nổi bật là việc liên tục giảm giá xăng dầu giai đoạn cuối năm, góp phần bình ổn giá các mặt hàng, sản phẩm trên thị trường, vì quyền lợi của người tiêu dùng. Nhân dịp bước sang năm mới, đón Xuân Ất Mùi 2015, Tạp chí Công nghiệp & Tiêu dùng đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Ngọc Bảo – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).
Để ngành Xăng dầu tăng cơ hội giảm giá cho người tiêu dùng
Ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch HĐQT Petrolimex

PV: Ông có bình luận gì về ý kiến cho rằng, năm 2014 chỉ có ngành Xăng dầu là hoạt động hiệu quả theo cơ chế thị trường, nghĩa là giá các mặt hàng xăng dầu có tăng, có giảm?

 

Ông Bùi Ngọc Bảo: Nói như vậy cũng chưa hoàn toàn đúng, bởi Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu (gọi tắt là Nghị định 83) chính thức được vận hành mới tròn ba tháng kể từ ngày 01/11/2014. Đây là quãng thời gian chưa đủ dài để có thể đưa ra những đánh giá về hiệu quả, khó khăn và kiến nghị một cách phù hợp. Tuy nhiên, đứng trên giác độ là một trong 19 thương nhân đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu - đối tượng chịu tác động trực tiếp của Nghị định 83, thì Petrolimex có thể rút ra hai đặc điểm nổi bật của thị trường xăng dầu trong năm qua như sau:

 

Một là, giá dầu thô ngọt nhẹ trên thị trường thế giới biến động khá mạnh và sụt giảm liên tiếp trong các tháng cuối năm, kéo theo giá xăng dầu thành phẩm cũng bị giảm liên tục và hiện đang ở mức thấp nhất trong vòng 05 (năm) năm trở lại đây do nhiều nguyên nhân, mà kịch bản đã diễn ra tương tự cách đây 7 năm (thời kỳ 6 tháng cuối năm 2008); Hai là, sự ra đời và đưa vào áp dụng Nghị định 83 kể từ ngày 01/11/2014 sau một chặng đường dài chuẩn bị công phu của Ban soạn thảo dưới sự chủ trì của Bộ Công Thương và dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự quan tâm của nhiều tầng lớp trong xã hội. Hai đặc điểm này đã tác động trực diện đến thị trường xăng dầu và đến nhiều mặt của đời sống xã hội nước ta.

 

Nghị định 83 là sự kế thừa những điểm mạnh, khắc phục những mặt hạn chế của Nghị định 84 sau hơn 4 năm triển khai, thể hiện sự kiên định của Chính phủ trong việc chuyển sang cơ chế thị trường đối với kinh doanh xăng dầu. Sau khi Nghị định 83 và các thông tư hướng dẫn được ban hành, Petrolimex đã khẩn trương nghiên cứu, tổ chức quán triệt và triển khai tới các doanh nghiệp thành viên trên cả 3 miền cùng với hội nghị do Bộ Công Thương tổ chức và sau ba tháng thực hiện, ngành Xăng dầu đã thu được những kết quả nhất định.

 

PV: Những kết quả đó là gì, thưa ông?

 

Ông Bùi Ngọc Bảo: Trước hết, về nhận thức, một mặt, Tập đoàn tổ chức quán triệt đầy đủ nội dung Nghị định 83 và các văn bản hướng dẫn, làm cơ sở giúp cho các đơn vị hiểu để tổ chức triển khai đúng quy định, phù hợp với thực tiễn tại đơn vị mình. Các đơn vị thành viên Petrolimex cũng đã chủ động lồng ghép nội dung phổ biến những quy định mới của Nghị định 83 tới các đối tượng thông qua Hội nghị khách hàng thường niên vào dịp cuối năm.

 

Hai là, hệ thống phân phối đã, đang dần từng bước được hình thành theo quy định của Nghị định 83, thông qua việc xuất hiện nhiều dấu hiệu nhận diện mới (logo, chỉ dẫn thương mại) của các doanh nghiệp là thương nhân phân phối và các thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu trên thị trường. Thị trường xăng dầu thời gian tới sẽ có sự cạnh tranh quyết liệt dưới kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước và có sự thay đổi về chất phù hợp với xu thế, góp phần tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế -xã hội của đất nước.

 

Ba là, qua 3 lần điều chỉnh giá bán xăng dầu của Liên Bộ theo Nghị định 83 đã làm cho giá bán trong nước ngày càng phản ánh sát hơn với diễn biến của giá xăng dầu trên thị trường thế giới; đồng thời, Nghị định 83 cũng đã tạo được hành lang pháp lý rõ ràng hơn, giúp Liên Bộ, doanh nghiệp có căn cứ trong việc điều chỉnh giá bán và tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình trước dư luận xã hội và người tiêu dùng. 

 

Bốn là, tính công khai, minh bạch từ khâu xây dựng, ban hành chính sách đến khâu điều hành về giá bán, Quỹ bình ổn giá xăng dầu của cơ quan quản lý nhà nước, cũng như tình hình hoạt động kinh doanh của các thương nhân đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu ngày càng nâng cao sau khi có Chỉ thị 11 của Bộ trưởng Bộ Công Thương và đặc biệt kể từ khi Nghị định 83 có hiệu lực thi hành.

 

Kết quả cụ thể là, đối với Quỹ bình ổn giá xăng dầu: ngay sau khi Nghị định 83 có hiệu lực thi hành, Petrolimex đã chuyển toàn bộ số tiền Quỹ Bình ổn giá xăng dầu vào một tài khoản riêng mở tại một Ngân hàng thương mại sau khi được sự chấp thuận của Bộ Tài chính, Công Thương. Mọi biến động của Quỹ bình ổn giá xăng dầu đều được theo dõi, hạch toán, phản ánh trên tài khoản mở tại Ngân hàng. Cơ quan quản lý Nhà nước trực tiếp là Bộ Tài chính, Bộ Công Thương có thể khai thác thông tin về diễn biến của Quỹ hiện đang hạch toán tại Petrolimex ở bất kỳ thời điểm nào thông qua tiện ích sử dụng ngân hàng điện tử Ebanking. Ngoài ra, Petrolimex đã thực hiện công khai định kỳ hàng tháng số chính thức Quỹ bình ổn giá và số nhanh tồn quỹ trước thời điểm điều chỉnh giá trên trang website nội bộ và được kết nối trực tiếp với Cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương - Chuyên mục công khai minh bạch điều hành điện, xăng dầu.

 

Qua theo dõi, sau mỗi lần điều chỉnh giá bán xăng dầu, hàng vạn lượt người truy cập vào website của Petrolimex. Website của Tập đoàn thực sự trở thành địa chỉ tin cậy, điểm đến cho bạn đọc, cơ quan thông tấn báo chí và người tiêu dùng quan tâm muốn tìm hiểu, khai thác thông tin để viết bài liên quan đến chính sách điều hành kinh doanh xăng dầu của Nhà nước, của Tập đoàn.

 

Năm là, theo đánh giá ban đầu, dư luận xã hội ngày càng đồng tình, ủng hộ chủ trương chính sách điều hành kinh doanh xăng dầu sang cơ chế thị trường của Đảng và Chính phủ nhất là sau khi Nghị định 83 được vận hành trong thực tế.

 

Giá xăng dầu liên tục giảm tạo tâm lý yên tâm cho người tiêu dùng

 

PV: Như vậy, việc triển khai Nghị định 83 của ngành Xăng dầu đang diễn ra thuận lợi?

 

Ông Bùi Ngọc Bảo: Hết sức khó khăn. Khi thực hiện Nghị định 83, Petrolimex nói riêng, các thương nhân đầu mối nhập khẩu xăng dầu nói chung đã gặp phải những trở ngại lớn sau đây:

 

Một là, kết quả hoạt động kinh doanh xăng dầu năm 2014 bị lỗ. Nguyên nhân, Nghị định 83 ra đời và có hiệu lực thi hành đúng vào giai đoạn giá xăng dầu thế giới ở trong xu thế giảm liên tục, kéo dài là cơ hội thuận lợi để cơ quan quản lý Nhà nước điều hành giá bán theo một chiều duy nhất là giảm giá (theo thống kê, có 12 lần giảm giá xăng liên tiếp với tổng mức giảm là 7.760 đ/lít; 13 lần giảm giá dầu với tổng mức giảm 5.830 đ/lít là mức giá thấp nhất trong gần 4 năm trở lại đây).

 

Tuy nhiên, do công thức tính giá cơ sở theo Nghị định 83, lấy bình quân 15 ngày giá thế giới sát ngày công bố giá cơ sở; trong khi thương nhân đầu mối phải dự trữ lưu thông 30 ngày theo quy định dẫn đến giá bán thường thấp hơn giá vốn do doanh nghiệp phải xuất bán từ tồn kho 15 ngày đầu của chu kỳ dự trữ và phát sinh lỗ. Chưa kể, để hạn chế kinh doanh mất vốn trong xu thế giá giảm, các đại lý/tổng đại lý thường chỉ mua hàng cầm chừng (để tối ưu hóa tồn kho, giảm dự trữ) đủ đáp ứng nhu cầu bán hàng cho khách nên dự trữ lưu thông dồn về thương nhân đầu mối. Toàn bộ tích lũy lỗ từ hàng tồn kho do giảm giá dồn về thương nhân đầu mối; đồng thời Tổng đại lý, đại lý dự trữ lưu thông thấp, gây bất ổn thị trường có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

 

Hai là, thủ tục cấp giấy chứng nhận và việc thiết lập hệ thống phân phối theo quy định mới: Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện đối với Tổng đại lý, thương nhân phân phối, đại lý có nhiều điểm bán... là tương đối phức tạp và còn mất nhiều thời gian, chưa kể các doanh nghiệp cần phải hoàn thiện điều kiện theo quy định. Vì vậy, việc thiết lập hệ thống phân phối, ký kết hợp đồng bán hàng theo Nghị định 83 cho năm kế hoạch 2015 của Tập đoàn với khách hàng gặp không ít khó khăn.

 

Ba là, theo quy định hiện nay về sở hữu hàng hóa; về hạch toán doanh thu, chiết khấu thanh toán và hoa hồng và/hoặc chiết khấu giảm giá đối với đại lý, tổng đại lý nếu thực hiện theo quy định là ít khả thi do tính chất mặt hàng và mạng lưới kinh doanh; nếu doanh nghiệp buộc phải thực hiện sẽ gia tăng chi phí rất lớn vì phải bỏ ra một khoản chi phí không nhỏ trong việc giám sát tới tận cửa hàng xăng dầu của đại lý, tổng tổng đại lý chưa kể dễ sinh tiêu cực.

 

PV: Vậy Petrolimex có đề xuất, kiến nghị gì với các cấp, các ngành để từ năm 2015 ngành Xăng dầu hoàn thành tốt nhiệm vụ, đáp ứng nhu cầu của xã hội?

 

Ông Bùi Ngọc Bảo: Để khắc phục bất cập trên, Petrolimex đề nghị Liên Bộ Tài chính - Công Thương nghiên cứu xem xét trình Chính phủ sửa đổi bổ sung quy định điểm d, khoản 1, Điều 37 của Nghị định 83 về chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu áp dụng cho cả trường hợp, nếu giá cơ sở thấp hơn giá bán lẻ hiện hành diễn ra trong thời gian dài - giúp doanh nghiệp kinh doanh không mất vốn như đã nêu trên. Trước mắt, cho phép Thương nhân đầu mối thực hiện trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho theo đúng quy định và nguồn được bù đắp từ Quỹ BOG.

 

Ngoài ra, nhằm đơn giản hóa và giảm thủ tục hành chính theo chủ trương của Chính phủ, Tập đoàn kiến nghị Bộ Công Thương nghiên cứu áp dụng công nghệ thông tin trong việc đăng ký phê duyệt và cấp Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu. Đồng thời, nghiên cứu xem xét quy định cho phù hợp với thực tiễn nhằm tiết giảm chi phí kinh doanh, tăng cơ hội giảm giá cho người tiêu dùng và phản ánh đúng thực tiễn hiện nay.

 

PV: Xin cảm ơn ông!

 

Mai Hương


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang