Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, qua thực tiễn 15 năm thi hành, Luật Năng lượng nguyên tử (NLNT) đã phát huy vai trò to lớn trong việc tạo hành lang pháp lý cho việc đẩy mạnh và hướng tới phát triển bền vững ứng dụng năng lượng nguyên tử thông qua công tác quản lý nhà nước về an toàn, an ninh và ứng phó sự cố, phục vụ đắc lực cho kinh tế - xã hội, đồng thời nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ của đất nước.
Trong 15 năm triển khai thực hiện, bên cạnh vai trò, tác động và đóng góp lớn của Luật NLNT trong việc hình thành công tác quản lý nhà nước, bảo đảm an toàn, an ninh, phát triển bền vững ứng dụng NLNT vì hòa bình, tuân thủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên thì một số quy định pháp luật về NLNT đã bộc lộ bất cập, hạn chế về yêu cầu quản lý, sự đồng bộ với một số luật mới ban hành và sự phù hợp với các yêu cầu, hướng dẫn mới của IAEA. Phát sinh sự chồng chéo trong chức năng quản lý của một số bộ ngành; một số quy định thiếu tính khả thi; chưa đáp ứng hoặc theo kịp sự phát triển nhanh của khoa học và công nghệ hạt nhân, công nghệ bức xạ.
Hoàn thiện cơ sở pháp lý phục vụ phát triển các ứng dụng năng lượng nguyên tử
Luật NLNT 2008 được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung là cần thiết vì:
Thứ nhất, để hoàn thiện cơ sở pháp lý phục vụ mục tiêu phát triển các ứng dụng NLNT đóng góp nhiều hơn nữa cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, củng cố an ninh quốc gia trong tình hình mới. Việc sửa đổi Luật NLNT góp phần thực hiện chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước là hoàn thiện thể chế pháp luật, cơ chế, chính sách gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện pháp luật; đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh.
Thứ hai, yêu cầu thống nhất, đồng bộ và hài hòa giữa Luật NLNT và nhiều pháp luật liên quan khác trong hệ thống pháp luật Việt Nam như Luật Quy hoạch (2017), Luật Đầu tư (2020), Luật Xây dựng (2014; sửa đổi, bổ sung 2020), Luật Khoáng sản (2010; sửa đổi, bổ sung 2018), Luật Dược (2016), Luật Bảo vệ môi trường (2020),... nhằm không để phát sinh chồng chéo, chưa thống nhất, bất cập trong quản lý nhà nước và triển khai thực hiện.
Thứ ba, trong giai đoạn vừa qua, Việt Nam đã tham gia các điều ước quốc tế về an toàn hạt nhân, an ninh hạt nhân, thanh sát hạt nhân: Công ước về An toàn hạt nhân (2010); Nghị định thư bổ sung cho Hiệp định Thanh sát Việt Nam-IAEA (2012); Công ước chung về An toàn quản lý nhiên liệu đã qua sử dụng và An toàn quản lý chất thải phóng xạ (2014); Công ước Bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân và Phần sửa đổi (2016). Việc triển khai thực hiện các điều ước quốc tế đặt ra yêu cầu nội luật hóa, hoàn thiện chính sách, pháp luật NLNT để bảo đảm thực thi nghĩa vụ và cam kết quốc gia của Việt Nam.
Đề xuất 6 nhóm chính sách
Nhằm khắc phục các hạn chế, bất cập của Luật Năng lượng nguyên tử hiện hành, dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) được xây dựng trên cơ sở các chính sách lớn sau đây:
Chính sách 1: Thúc đẩy phát triển ứng dụng NLNT, coi trọng năng lượng hạt nhân, chế tạo thiết bị, hợp tác quốc tế và đào tạo nguồn nhân lực.
Chính sách 2: Bảo đảm an toàn, an ninh nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ, thiết bị hạt nhân và vật liệu hạt nhân.
Chính sách 3: Thanh sát và không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Chính sách 4: Quản lý chất thải phóng xạ, nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng.
Chính sách 5: Ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân và trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại hạt nhân.
Chính sách 6: Quản lý nhà nước trong lĩnh vực NLNT (Khai báo, đăng ký, cấp giấy phép, cấp chứng chỉ; Thanh tra, kiểm tra; xử lý vi phạm; giải quyết khiếu nại, tố cáo).
Theo báo Chính phủ