Từ năm 2014 – 2019, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh đã hỗ trợ một số đề án khuyến công trọng điểm: Hỗ trợ ứng dụng máy móc kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất cho 15 cơ sở công nghiệp; Đăng ký thương hiệu cho 02 cơ sơ xây dựng; Tổ chức đào tạo nghề cho 480 lao động; Tập huấn nâng cao năng lực quản lý cho 573 người và phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.
Tuy vậy, các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa có nhiều đổi mới do một số đề án bị kéo dài thời gian xử lý thủ tục hành chính, thanh toán, quyết toán. Nhiều cơ sở còn rụt rè trong việc đăng ký tham gia đề án gây khó khăn cho triển khai công tác khuyến công.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có rất nhiều các cơ sở sản xuất công nghiệp hoạt động quy mô nhỏ dưới 3 tỷ đồng nguồn vốn và chưa đầy 10 lao động. Các cơ sở này có trình độ quản lý tốt, khả năng phát triển trên thị trường cao và có tiềm năng thay đổi công nghệ sản xuất, nhưng lại không thuộc diện được thụ hưởng chính sách khuyến công. Chính vì vậy, Sở Công Thương tỉnh đã tăng cường thực hiện các đề án có trọng tâm, ưu tiên hỗ trợ các cơ sở sản xuất sản phẩm đặc trưng của tỉnh.
Theo Nghị định số 45/2012/NĐ-CP về khuyến công quy định: Chỉ những đối tượng ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa và một số xã có thời gian chuyển đổi lên phường không quá 5 năm mới được thụ hưởng chính sách khuyến công. Điều này gây thiệt thòi cho các cơ sở sản xuất công nghiệp có tiềm năng. Để tháo gỡ vướng mắc, Sở Công Thương tỉnh đã đề xuất lên Cục Công Thương địa phương văn bản để trình lên Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung Nghị định số 45/2012/NĐ-CP. Cụ thể, cần mở rộng đối tượng thụ hưởng bao gồm tất cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp; Bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ trong năm tài chính và thẩm định nhiều đợt để hỗ trợ cho cơ sở trong khoảng thời gian từ 3 – 6 tháng.
Bích Ngọc