Dự thảo nêu rõ hình thức hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt. Theo đó, hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt phải được thể hiện bằng văn bản dưới dạng giấy hoặc dữ liệu điện tử (đối với dữ liệu điện tử, Bên mua điện có thể tra cứu và tải về tại Cổng thông tin điện tử của Bên bán điện). Ngôn ngữ sử dụng trong hợp đồng là tiếng Việt.
Hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt phải được đăng ký và được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chấp thuận cho áp dụng theo quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng quy định, chủ thể ký hợp đồng của Bên mua điện là người đại diện của Bên mua điện có đủ năng lực hành vi dân sự, đã đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định số 104/2022/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công và có hồ sơ đề nghị đăng ký mua điện phục vụ mục đích sinh hoạt quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định số 104/2022/NĐ-CP gửi Bên bán điện.
Trường hợp Bên mua điện gồm nhiều hộ sử dụng điện chung ký 01 Hợp đồng thì chủ thể ký hợp đồng của Bên mua điện là đại diện số hộ dùng chung ký hợp đồng phải tuân thủ quy định và có văn bản ủy quyền của các hộ dùng chung ký hợp đồng. Tại hợp đồng phải ghi rõ số hộ dùng chung (có danh sách kèm theo) và giá bán điện được áp dụng theo Quy định về thực hiện giá bán điện do Bộ Công Thương ban hành.
Chủ thể ký hợp đồng của Bên bán điện là người đại diện theo pháp luật hoặc theo ủy quyền của Đơn vị bán lẻ điện có lưới điện phân phối đủ khả năng cung cấp điện đáp ứng nhu cầu của bên mua điện.
Thời hạn của hợp đồng do hai bên thỏa thuận. Trường hợp hai bên không thỏa thuận cụ thể thời hạn của hợp đồng thì thời hạn của hợp đồng được tính từ ngày ký đến ngày các bên hoặc một trong hai bên đơn phương chấm dứt hợp đồng theo quy định.
Theo baochinhphu.vn