Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, theo quy định tại Khoản 4 Điều 91 Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 10 và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính.
Việc phê duyệt danh mục lĩnh vực, cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính là nền tảng quan trọng để xây dựng cơ sở dữ liệu kiểm kê khí nhà kính, triển khai các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, góp phần tăng cường công tác quản lý nhà nước về giảm phát thải khí nhà kính, thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam; đồng thời là tiền đề xây dựng hạn ngạch phát thải khí nhà kính phục vụ phát triển thị trường carbon trong nước. Danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính sẽ được cập nhật 2 năm một lần trên cơ sở tỷ trọng phát thải khí nhà kính trên tổng phát thải khí nhà kính quốc gia; điều kiện và tình hình phát triển kinh tế - xã hội; tiêu thụ nhiên liệu, năng lượng trên đơn vị sản phẩm, dịch vụ đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính có vai trò quan trọng nhằm sớm đưa các quy định của Luật đi vào cuộc sống, bảo đảm các điều kiện cho việc tổ chức thi hành Luật có hiệu quả.
Về yêu cầu thực tiễn, Việt Nam đã ký và phê chuẩn Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (gọi tắt là UNFCCC) năm 1994, phê duyệt Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu năm 2016. Theo quy định của Thỏa thuận Paris, các quốc gia có trách nhiệm thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính thông qua thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). NDC cập nhật của Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua và đã được gửi Ban Thư ký UNFCCC vào năm 2020. Mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính bằng nguồn lực trong nước, đến năm 2030 Việt Nam sẽ giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát thải trong điều kiện phát triển thông thường (BAU); theo đó: i) giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2025 sẽ giảm 210,5 triệu tấn CO2 tương đương so với BAU; ii) giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2030 sẽ giảm 563,7 triệu tấn CO2 tương đương so với BAU.
Do vậy, việc ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê khí nhà kính là hết sức cần thiết, thể hiện quyết tâm, nỗ lực trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu nói chung và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính nói riêng.
5 bộ, ngành có cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính
Dự thảo đề xuất ban hành Danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính năm 2022 thuộc các ngành: Công Thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, sau khi thống nhất với các Bộ: Công Thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Xây dựng, tiêu chí xác định các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính được quy định tại mục 1 Phụ lục I của dự thảo Nghị định quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone, cụ thể như sau:
Danh mục cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính dự kiến là các cơ sở có mức phát thải khí nhà kính hằng năm từ 3.000 tấn CO2 tương đương trở lên hoặc thuộc các đối tượng sau:
- Các nhà máy nhiệt điện, cơ sở sản xuất công nghiệp có tổng lượng tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 tấn dầu tương đương (TOE) trở lên;
- Các công ty kinh doanh vận tải hàng hoá có tổng tiêu thụ nhiên liệu hằng năm từ 1.000 TOE trở lên;
- Các tòa nhà thương mại có tổng tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 TOE trở lên;
- Cơ sở xử lý chất thải rắn có công suất hoạt động hằng năm từ 65.000 tấn trở lên.
Trong giai đoạn hiện nay, đề xuất chưa quy định bắt buộc phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính đối với các cơ sở chăn nuôi (gia súc, gia cầm) do thực tế các cơ sở chăn nuôi chỉ chiếm 5,85% tổng phát thải khí nhà kính quốc gia; chăn nuôi ở nước ta chủ yếu là nhỏ lẻ, hộ gia đình nên sẽ khó khăn khi yêu cầu các cơ sở này phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Tuy nhiên các cơ sở này vẫn phải có trách nhiệm tham gia kiểm kê khí nhà kính quốc gia, lĩnh vực.
Đối với các cơ sở xử lý chất thải rắn, ngưỡng xác định các cơ sở phát thải phải kiểm kê khí nhà kính sử dụng quy mô xử lý chất thải theo các nghiên cứu của các cơ quan chuyên môn thuộc các Bộ quản lý lĩnh vực và Chương trình môi trường Liên Hợp Quốc, có mức phát thải khí nhà kính hằng năm trong khoảng 3.000 tấn CO2 tương đương trở lên, phù hợp và thống nhất với tiêu chí đối với các lĩnh vực khác.
Theo báo Chính phủ