Theo dự thảo, hàng hóa được đưa vào danh mục mua sắm tập trung khi đáp ứng một trong các điều kiện sau đây: Hàng hóa mua sắm với số lượng lớn hoặc chủng loại hàng hóa được sử dụng phổ biến tại nhiều đơn vị có nhu cầu mua sắm; hàng hóa có yêu cầu tính đồng bộ, hiện đại.
Người đứng đầu doanh nghiệp có trách nhiệm ban hành danh mục mua sắm tập trung trước ngày 30/8 hàng năm.
Trên cơ sở nhu cầu mua sắm của các đơn vị, trong vòng 10 ngày kể từ ngày hết hạn đăng ký, đơn vị mua sắm tập trung lập dự thảo kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
Đơn vị mua sắm tập trung trình người có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
Tổ chức lựa chọn nhà thầu
Dự thảo nêu rõ, đơn vị mua sắm tập trung đăng tải thông báo mời thầu trên website của doanh nghiệp; Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
Căn cứ danh sách xếp hạng các nhà thầu, đơn vị mua sắm tập trung lập báo cáo đánh giá và trình người có thẩm quyền (trừ trường hợp được phân cấp/uỷ quyền) phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu đối với mỗi gói thầu cụ thể. Trường hợp gói thầu chia thành nhiều phần thì Quyết định công nhận kết quả có thể gồm một hoặc nhiều nhà thầu trúng thầu.
Trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày kết quả lựa chọn nhà thầu được phê duyệt, đơn vị mua sắm tập trung có trách nhiệm đăng tải kết quả lựa chọn nhà thầu trên website của doanh nghiệp; Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
Sau khi kết quả lựa chọn nhà thầu được phê duyệt, trường hợp hồ sơ mời thầu quy định cách thức mua sắm tập trung theo quy định thì đơn vị mua sắm tập trung tiến hành ký thỏa thuận khung với nhà thầu trúng thầu.
Đơn vị có nhu cầu mua sắm ký hợp đồng cung cấp hàng hóa với nhà thầu đã ký thỏa thuận khung. Trường hợp tại thời điểm ký hợp đồng cung cấp hàng hóa, giá bán hàng hóa do nhà cung cấp công bố thấp hơn giá trúng thầu mua sắm tập trung thì đơn vị có nhu cầu mua sắm cần đàm phán với nhà thầu để giảm giá, bảo đảm giá ký hợp đồng không cao hơn giá do nhà cung cấp công bố tại thời điểm ký hợp đồng.
Trường hợp hàng hóa do nhà thầu cung cấp không đúng theo thỏa thuận khung thì đơn vị có nhu cầu mua sắm có quyền từ chối việc tiếp nhận hàng hóa.
Việc đơn vị có nhu cầu mua sắm không thực hiện mua sắm tập trung hàng hóa thuộc danh mục mua sắm tập trung hoặc cố tình không ký hợp đồng với nhà thầu mà không có lý do xác đáng được xử lý theo quy định của doanh nghiệp.
Theo báo Chính phủ