Thứ Tư, 13/11/2024 18:35:25 GMT+7
Lượt xem: 183

Tin đăng lúc 20-09-2024

Đề xuất phê duyệt dự án tuyến Metro ga Hà Nội - Hoàng Mai

Việc đưa đoạn đường sắt này vào hoạt động sẽ góp phần giải quyết nhu cầu đi lại của người dân trên trục Đông - Tây của Thủ đô, đồng thời thu hút một lượng lớn hành khách.
Đề xuất phê duyệt dự án tuyến Metro ga Hà Nội - Hoàng Mai
Tuyến đường sắt đô thị Ga Hà Nội - Hoàng Mai chủ yếu đi ngầm

Dự án sẽ sử dụng vốn ODA không hoàn lại của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Liên minh châu Âu

 

Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị lãnh đạo Chính phủ phê duyệt đề xuất Dự án tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai, vay vốn Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) do UBND TP. Hà Nội là cơ quan chủ quản.

 

Bộ cũng đề xuất được giao trách nhiệm thông báo với ADB, AFD và KfW về việc dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, UBND TP. Hà Nội sẽ cần phối hợp với các cơ quan liên quan và các tổ chức tài chính quốc tế để lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trình lên cấp có thẩm quyền xem xét và quyết định, nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các bước triển khai tiếp theo.

 

UBND TP. Hà Nội cũng sẽ phải tiếp tục nghiên cứu, rà soát các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các dự án đường sắt đô thị, xây dựng phương án giải quyết cụ thể, kịp thời, đảm bảo triển khai Dự án đạt mục tiêu, đúng tiến độ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

 

Trước đó, trong công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào tháng 6/2024, UBND TP. Hà Nội đã giải trình, làm rõ một số nội dung liên quan đến đề xuất Dự án tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai.

 

Dự án này bao gồm việc xây dựng hạ tầng và các công trình đồng bộ khác; mua sắm và đầu tư cho cung ứng, lắp đặt phương tiện vận tải; hệ thống thiết bị cho cấp điện, thông tin tín hiệu giám sát điều hành phục vụ chạy tàu…

 

Tuyến metro đi ngầm gần như hoàn toàn

 

Theo đề xuất của UBND TP. Hà Nội, tuyến đường sắt số 3 (tuyến 3.2), đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai có chiều dài 8,786km hầu hết đi ngầm (đi ngầm 8,13km, còn lại là hầm hở dẫn và đi trên mặt đất), dọc theo các tuyến phố Trần Hưng Đạo, Trần Thánh Tông, Kim Ngưu và Tam Trinh.

 

Tuyến đường sắt sẽ đi qua các nút giao thông lớn như Ô Đống Mác (Vành đai 1) và Mai Động (Vành đai 2), kết thúc sau Vành đai 3. Toàn tuyến sẽ có 7 ga ngầm (Hàng Bài, Trần Thánh Tông, Kim Ngưu, Mai Động, Tân Mai, Tam Trinh, Yên Sở) và 1 khu lập tàu tại khu vực sát trạm bơm Yên Sở.

 

Tổng mức đầu tư dự án dự kiến 40.570 tỷ đồng, tương đương khoảng 1.752 tỷ USD, trong đó vốn vay ADB là 801 triệu USD, KfW 258 triệu USD, AFD 198 triệu USD, vốn đối ứng 494 triệu USD, thực hiện đến năm 2029.

 

Sử dụng công nghệ tiên tiến nhất thế giới để thi công ngầm

 

Với sự phát triển của đô thị, mật độ dân số tăng lên, quỹ đất dành cho giao thông ngày càng hạn hẹp. Do vậy, các tuyến đường sắt đô thị đi ngầm là phương án tối ưu để giải quyết các vấn đề giao thông nan giải của Thủ đô.

 

Việc đi ngầm toàn tuyến giúp giảm thiểu diện tích giải phóng mặt bằng (GPMB), tiết kiệm đất xây dựng, giảm xung đột với các công trình dân dụng, giao thông trên mặt đất. Tăng khả năng kết nối với các tòa nhà và công trình ngầm xung quanh các nhà ga. Không phá vỡ cảnh quan đô thị dọc theo tuyến, cũng như tạo điều kiện phát triển không gian phía trên mặt đất với các công trình đô thị, giao thông, cầu vượt và các loại hình giao thông công cộng khác.

 

Việc xây dựng đường sắt đô thị đi ngầm cũng hạn chế chiếm dụng đất và cản trở giao thông trong quá trình thi công xây dựng. Giảm thiểu ô nhiễm môi trường đối với khu dân cư dọc theo tuyến. Tuy nhiên, việc đi ngầm toàn tuyến sẽ khiến chi phí đầu tư xây dựng cao, cộng thêm cấu trúc địa chất khu vực Hà Nội không thuận lợi cho các công trình ngầm do nền đất không đồng nhất, có các lớp đất yếu, nước ngầm và nước mặt đòi hỏi công nghệ thi công xây dựng tiến tiến.

 

Để giải quyết vấn đề nêu trên, Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội cùng đơn vị Tư vấn đã lựa chọn công nghệ thi công ngầm bằng TBM (Tunnel Boring Machine). Đây là công nghệ thi công hầm tiên tiến bậc nhất trên thế giới, phù hợp với điều kiện địa chất yếu và đã được nhiều nước áp dụng.

 

Công nghệ TBM có thể thi công trên mọi loại địa chất từ đá cứng đến đất yếu, đất sét, đất bồi hay đất cát dưới mực nước ngầm, đi xuyên núi hay dưới lòng biển. TBM có độ an toàn cao, thân thiện môi trường và không làm rung động, chấn động; Thích hợp áp dụng cho đường hầm đô thị. Công nghệ thi công ngầm TBM cũng đang được áp dụng trong việc đàm hầm Metro Nhổn - ga Hà Nội.

 

Hiện tại, đoạn tuyến đường sắt đô thị số 3 (3.1) - đoạn Nhổn – ga Hà Nội đang trong quá trình xây dựng và dự kiến sẽ đi vào vận hành vào năm 2027.

 

Việc đưa vào hoạt động đoạn tuyến 3.2 (ga Hà Nội - Hoàng Mai) sau đó sẽ hoàn thiện trục đường sắt Nhổn – ga Hà Nội - Hoàng Mai, góp phần giải quyết nhu cầu đi lại trên trục Đông – Tây của Thủ đô, đồng thời thu hút một lượng lớn hành khách.

 

Theo tapchicongthuong.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang