Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, ngày 18/01/2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 06/2016/NĐ-CP (Nghị định số 06) về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình, quy định điều chỉnh hoạt động phát thanh, truyền hình quảng bá, hoạt động phát thanh, truyền hình trả tiền đối với các loại hình dịch vụ, phương thức cung cấp nội dung thông tin và hoạt động thu tín hiệu truyền hình nước ngoài trực tiếp từ vệ tinh. Đây là văn bản quy phạm pháp luật hiện hành hết sức quan trọng để quản lý hoạt động cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình và quản lý nội dung thông tin trên dịch vụ phát thanh, truyền hình.
Qua 02 năm thực hiện, Nghị định số 06 đã đạt được một số mục tiêu cụ thể đặt ra, góp phần nâng cao năng lực quản lý nhà nước về dịch vụ phát thanh, truyền hình.
Tuy nhiên, trong quá trình thi hành Nghị định số 06, một số nội dung chưa đủ và chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế của công tác quản lý dịch vụ phát thanh, truyền hình. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ đang tập trung chỉ đạo thực hiện cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Ngoài ra, với xu thế phát triển công nghệ và dịch vụ, nhiều tổ chức, trong nước và nước ngoài đang cung cấp các dịch vụ nội dung phát thanh, truyền hình theo yêu cầu qua mạng Internet vào Việt Nam, tuy nhiên, Nghị định số 06 cũng như các văn bản khác chưa quy định cụ thể việc quản lý, cung cấp và sử dụng đối với loại hình dịch vụ này.
Vì vậy, một số tồn tại và bất cập phát sinh từ nhu cầu thực tế cần được sửa đổi, bổ sung vào văn bản hiện hành là Nghị định số 06 để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội trong tình hình mới.
Một số nội dung mới cơ bản của dự thảo Nghị định
Về điều kiện cấp Giấy phép phát thanh, truyền hình trả tiền (Khoản 4, Điều 1 Nghị định sửa đổi, bổ sung), dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 12, Nghị định số 06 như sau:Căn cứ tình hình thực tiễn, định hướng nhà nước, các doanh nghiệp từ nay đến năm 2020 phải tiến hành cổ phần hóa, tùy từng doanh nghiệp sẽ có tỷ lệ cổ phần do nhà nước nắm giữ khác nhau, trong đó có các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền.
Theo tinh thần Nghị quyết Trung ương VI về đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, niêm yết trên sàn chứng khoán sau cổ phần hóa sẽ phát triển mạnh và việc các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến lĩnh vực phát thanh, truyền hình là không tránh khỏi.
Do đó, ngoài việc đáp ứng các quy định của Luật Báo chí về điều kiện cấp phép, Nghị định sửa đổi, bổ sung sẽ điều chỉnh bằng việc bổ sung quy định liên quan như Luật Chứng khoán bằng cách thiết kế, quy định trường hợp các công ty đại chúng niêm yết trên sàn chứng khoán trong nước có hoạt động cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền được áp dụng tỷ lệ sở hữu vốn nước ngoài theo quy định của Luật chứng khoán.
Như vậy, việc điều chỉnh quy định về cấp phép vẫn đảm bảo tuân thủ quy định của Luật Báo chí. Việc bổ sung thêm quy định pháp luật về chứng khoán sẽ quy định rõ tỷ lệ sở hữu của nước ngoài và cũng cụ thể hóa điều kiện để các doanh nghiệp nước ngoài muốn cung cấp dịch vụ tại Việt Nam cần thành lập pháp nhân tại Việt Nam theo quy định tại Nghị định sửa đổi, bổ sung này.
Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung bổ sung thêm một loại hình dịch vụ phát thanh, truyền hình mới “loại hình dịch vụ theo yêu cầu trên mạng Internet”.
Thực hiện việc đơn giản hóa, giảm thiểu thủ tục hành chính. Nghị định sửa đổi, bổ sung thêm Điều 12a để quy định riêng thủ tục cho loại hình dịch vụ mới. Các quy định tại Điều 12a được kế thừa các thủ tục đã được quy định tại Điều 12, không phát sinh điều kiện kinh doanh mà giảm thiểu thủ tục về hồ sơ so với 5 loại hình dịch vụ phát thanh, truyền hình đã được quy định tại Nghị định số 06. Do loại hình dịch vụ này gắn với hạ tầng mạng Internet nên việc cấp Giấy phép sẽ gắn với các thủ tục trực tuyến từ lập hồ sơ đến trả kết quả.
Theo Chính phủ.vn