Theo NHNN, hoạt động cấp mã ngân hàng cho các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước và các đơn vị khác có các hoạt động nghiệp vụ (thanh toán, báo cáo...) qua NHNN được hình thành từ rất sớm cùng sự phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động nghiệp vụ.
Từ khi Thông tư 17/2015/TT-NHNN (Thông tư 17) có hiệu lực thi hành đến nay, hoạt động của hệ thống mã đạt được một số kết quả. Hiện tại, toàn hệ thống có 6.563 mã ngân hàng (trong đó có 6.179 mã ngân hàng đang sử dụng; 384 mã ngân hàng đã được hủy bỏ); xử lý trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến mã ngân hàng được 813 đề nghị cấp mã ngân hàng; 97 đề nghị hủy mã ngân hàng và 736 đề nghị điều chỉnh thông tin ngân hàng.
Tuy nhiên, Thông tư 17 được ban hành từ năm 2015, qua một thời gian áp dụng, đến nay, hoạt động quản lý, cấp phát và thông báo kết quả xử lý về mã ngân hàng vẫn còn một số hạn chế, một số nội dung không còn phù hợp với thực tế, quy định hoạt động cấp phép mạng lưới hoạt động của các tổ chức tín dụng và công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cụ thể:
Theo các quy định hiện hành, NHNN không còn thủ tục chấp thuận hoặc không chấp thuận việc thay đổi tên chi nhánh, phòng giao dịch của các ngân hàng thương mại ở trong nước. Tuy nhiên, tại điểm b khoản 2 Điều 11 Thông tư 17 quy định về trình tự, thủ tục điều chỉnh thông tin ngân hàng đối với các tổ chức tín dụng trong thành phần hồ sơ vẫn đang yêu cầu cung cấp Bản chụp văn bản chấp thuận thay đổi thông tin bao gồm cả thông tin về tên chi nhánh, phòng giao dịch. Việc này gây khó khăn và không khả thi cho các tổ chức tín dụng khi thực hiện thủ tục điều chỉnh tên cho chi nhánh, phòng giao dịch trên hệ thống mã ngân hàng.
Tại một số quy định về thành phần hồ sơ đề nghị tại Thông tư 17 vẫn yêu cầu cung cấp bản chụp Giấy phép hoạt động hoặc Văn bản chấp thuận của NHNN (đối với TTHC của các tổ chức tín dụng), hoặc bản chụp Quyết định thành lập, chấp thuận của cấp có thẩm quyền (đối với TTHC của các doanh nghiệp, tổ chức khác), trong khi, thông tin về đăng ký hoạt động kinh doanh của các đơn vị này đã có sẵn trên cơ sở dữ liệu quốc gia về doanh nghiệp, như vậy là chưa phù hợp với các quy định hiện hành và yêu cầu về cắt giảm, đơn giản hóa TTHC.
Vì các lý do trên, việc sửa đổi, bổ sung các quy định tại Thông tư 17 là cần thiết đáp ứng các nhu cầu của thực tiễn.
Đơn giản hóa thủ tục hành chính về mã ngân hàng
Dự thảo Thông tư được xây dựng theo tinh thần Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 về ban hành chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025; Nghị quyết số 131/NQ-CP ngày 6/10/2022 về việc đẩy mạnh cải cách hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành, phục vụ người dân và doanh nghiệp; Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/01/2022 về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong quản lý nhà nước; Quyết định số 1085/QĐ-TTg ngày 15/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch rà soát, đơn giản hóa TTHC nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước giai đoạn 2022-2025. Cụ thể:
- Cắt giảm thành phần hồ sơ, bỏ quy định về cung cấp bản chụp Giấy phép thành lập và hoạt động, Quyết định giải thể chấm dứt hoạt động, các văn bản chấp thuận của NHNN đối với các tổ chức tín dụng tại thành phần hồ sơ của các TTHC về mã ngân hàng. Bộ phận giải quyết TTHC về mã ngân hàng sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan của NHNN thực hiện xác minh nội bộ các thông tin, văn bản do NHNN đã phát hành.
- Cắt giảm thành phần hồ sơ, bỏ quy định cung cấp bản chụp Quyết định thành lập, chấp thuận của cấp có thẩm quyền đối với các doanh nghiệp, tổ chức khác tại thành phần hồ sơ của các TTHC về mã ngân hàng. NHNN sẽ truy cập hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký hoạt động kinh doanh để xác minh thông tin khi thực hiện giải quyết các TTHC về mã ngân hàng.
- Chỉnh sửa lại một số thành phần mẫu biểu cho phù hợp với việc lập, đề nghị trên môi trường trực tuyến.
Theo báo Chính phủ