Gần nhất với mức sống tối thiểu
Tại Phiên thứ nhất của Hội đồng Tiền lương quốc gia diễn ra vào chiều ngày 9-7 về phương án tiền lương tối thiểu vùng năm 2019, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, đơn vị đại diện cho người lao động, đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2019 là 8%, tương đương mức tăng từ 220 nghìn đến 330 nghìn đồng. Phương án này dự kiến đáp ứng được 95,4% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Mai Đức Chính cho hay, những căn cứ để đơn vị này đưa ra phương án trên dựa trên Điều 91 Bộ luật Lao động hiện hành và Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 19-5-2018 của Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (gọi tắt là Nghị quyết số 27-NQ/TW) về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Trong đó, mức lương tối thiểu là mức thấp nhất trả cho người lao động và phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.
Ông Mai Đức Chính cho biết, trong hai năm, lương tối thiểu đã đáp ứng khoảng 92% mức sống tối thiểu. Còn trong hai năm sẽ tới mốc năm 2020, thời điểm mà lương tối thiểu cần đáp ứng được mức sống tối thiểu của người lao động, nên con số cần phải rút ngắn lại là khoảng 8%. Đề xuất trên của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cũng dựa trên tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Như GDP tăng khoảng 7%, CPI khoảng 4%; năng suất lao động xã hội tăng khoảng trên 5%...) và kết quả khảo sát của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam về tiền lương, thu nhập, đời sống của người lao động năm 2018.
Ông Chính nhấn mạnh, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam chia sẻ với doanh nghiệp, nhưng lần này, lương tối thiểu vùng năm nay cũng phải tăng ít nhất 8%. Cán bộ, công chức cũng đã được điều chỉnh tăng lương cơ sở từ ngày 1-7-2018. Do đó, cũng nên tăng lương tối thiểu cho người lao động.
Giới chủ không muốn tăng
Đại diện cho người sử dụng lao động, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia Hoàng Quang Phòng cho hay, trước khi Phiên họp của Hội đồng Tiền lương quốc gia diễn ra, VCCI đã họp với các hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước, trong đó có hơn 20 hiệp hội và sáu hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.
Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các hiệp hội doanh nghiệp này, ông Phòng nhận định, năm nay chưa nên điều chỉnh mức lương tối thiểu bởi vì lương tối thiểu đã tăng liên tục trong năm năm qua. Đề xuất không tăng lương tối thiểu năm nay nhằm giúp cho việc có thể “nâng đỡ sức doanh”. Qua đó, doanh nghiệp có thể tái cơ cấu, tạo điều kiện cho người lao động được đào tạo lại, có điều kiện nâng cao tay nghề, tăng năng suất lao động để đáp ứng yêu cầu phát triển của doanh nghiệp. Điều này sẽ đáp ứng tốt hơn, đúng lộ trình lương tối thiểu tăng, phù hợp hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và tình hình chi trả của doanh nghiệp
Nhận xét về mức tăng 8% mà Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đề xuất, ông Phòng đánh giá, mức tăng như vậy là cao trong khi năng lực chi trả của doanh nghiệp thấp. Lương của cán bộ công chức, viên chức của khu vực công trong năm năm qua mới tăng ba lần, trong khi lương tối thiểu ở doanh nghiệp liên tục tăng từng năm trong cùng một lộ trình. Có thể nói, nếu lương tối thiểu đáp ứng yêu cầu mức sàn cuối cùng của người lao động, mức lương tối thiểu hiện nay đã tiệm cận được hơn 90% nhu cầu mức sống tối thiểu rồi, nên có dư địa tăng năng suất lao động, có thưởng, thì người lao động có thu nhập cao hơn trong.
Phát biểu trong phiên họp, Thứ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh, theo tinh thần của Nghị quyết số 27-NQ/TW, Nhà nước sẽ không can thiệp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp. Thay vào đó, sẽ thúc đẩy cơ chế thương lượng giữa người sử dụng lao động và người lao động. Từ nay đến năm 2020, tiếp tục điều chỉnh lương tối thiểu vùng đáp ứng mức sống tối thiểu của người lao động.
|
Theo báo Nhân dân