Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, việc giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên không phải là hoạt động giao trực tiếp, do vậy, phải căn cứ vào nhu cầu của tổ chức, cá nhân, thời hạn của giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên được cấp theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Thời hạn khai thác, sử dụng từng loại tài nguyên phụ thuộc vào nhu cầu của tổ chức, cá nhân cũng như tiềm năng tài nguyên nên rất khác nhau, vì vậy, dự thảo Nghị định chỉ đề xuất quy định thời hạn tối đa của một quyết định giao khu vực biển không quá 30 năm và có thể được gia hạn nhiều lần, nhưng tổng thời gian gia hạn không quá 20 năm. Quy định này phù hợp với quy định của Luật thủy sản.
Trường hợp thời hạn giao khu vực biển theo đề xuất trên đã hết, thời hạn trong giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên còn hiệu lực, nếu tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng biển thì được xem xét cấp mới quyết định giao khu vực biển theo quy định.
Trường hợp khu vực biển đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quyết định giao, cho thuê đất có mặt nước, mặt nước biển theo quy định của pháp luật trước ngày Nghị định có hiệu lực thi hành, có thời sử dụng trên 30 năm và nộp tiền một lần cho cả thời hạn sử dụng thì được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền giao khu vực biển xem xét, công nhận thời hạn sử dụng khu vực biển đó bằng với thời hạn của quyết định giao, cho thuê đất có mặt nước, mặt nước biển nêu trên.
Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân được giao khu vực biển
Tổ chức, cá nhân được giao khu vực biển có quyền sử dụng khu vực biển được giao để khai thác, sử dụng tài nguyên biển theo quyết định giao khu vực biển; đề nghị gia hạn, sửa đổi, bổ sung quyết định giao khu vực biển, trả lại khu vực biển; được sử dụng các thông tin, dữ liệu liên quan đến khu vực biển được giao theo quy định của pháp luật. Đồng thời, có quyền được bồi thường, hỗ trợ khi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thu hồi khu vực biển để sử dụng phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích công cộng theo quy định của pháp luật; khiếu nại, khởi kiện khi quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân được giao khu vực biển bị xâm phạm; các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Tổ chức, cá nhân được giao khu vực biển có nghĩa vụ sử dụng khu vực biển được giao đúng mục đích quy định tại quyết định giao khu vực biển; thực hiện nộp tiền sử dụng khu vực biển, các loại thuế, phí, lệ phí (nếu có) theo quy định của pháp luật; bảo vệ môi trường biển; báo cáo tình hình khai thác, sử dụng tài nguyên biển trong khu vực biển được giao, định kỳ một năm một lần cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình sử dụng khu vực biển; các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Những hành vi bị cấm
Dự thảo nêu rõ các hành vi bị cấm như sau: 1. Lợi dụng việc sử dụng khu vực biển gây ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia; quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác.
2. Thực hiện khai thác, sử dụng tài nguyên biển khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền giao khu vực biển.
3. Sử dụng khu vực biển không đúng mục đích; hủy hoại môi trường biển; lấn, chiếm biển trái quy định của pháp luật.
4. Vi phạm quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
5. Cản trở hoạt động điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học về tài nguyên, môi trường biển; cản trở hoạt động giao thông trên biển, khai thác, sử dụng hợp pháp tài nguyên biển và các hoạt động hợp pháp khác trên biển theo quy định của pháp luật.
6. Cung cấp thông tin về khu vực biển trái quy định của pháp luật.
7. Cản trở hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình sử dụng khu vực biển.
8. Thế chấp, cho thuê, góp vốn, chuyển nhượng quyền sử dụng khu vực biển được giao trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 46 Luật thủy sản.
9. Các hành vi bị cấm khác theo quy định của pháp luật.
Theo Báo điện tử Chính Phủ