Thứ Năm, 21/11/2024 17:00:59 GMT+7
Lượt xem: 63

Tin đăng lúc 09-11-2024

Đề xuất thời hạn lưu trữ hồ sơ, tài liệu ngành Công Thương

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Thông tư quy định thời hạn lưu trữ hồ sơ, tài liệu ngành Công Thương.
Đề xuất thời hạn lưu trữ hồ sơ, tài liệu ngành Công Thương
Lưu trữ vĩnh viễn hồ sơ phê duyệt nội dung hợp đồng dầu khí và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

Bộ Công Thương cho biết, hiện nay, Bộ Công Thương chưa xây dựng và ban hành Thông tư quy định thời hạn lưu trữ hồ sơ, tài liệu chuyên môn, nghiệp vụ riêng của ngành Công Thương. Việc xác định loại hồ sơ và thời hạn lưu trữ hồ sơ, tài liệu chuyên môn, nghiệp vụ của các cơ quan, đơn vị ngành Công Thương đang được thực hiện theo quy định của Luật Lưu trữ năm 2011, Thông tư số 09/2011/TT-BNV ngày 03/6/2011 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định về thời hạn bảo quản hồ sơ, tài liệu hình thành phổ biến trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, Thông tư số 10/2022/TT-BNV ngày 19/12/2022 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định thời hạn bảo quản tài liệu và các văn bản quy phạm pháp luật khác có quy định về thời hạn bảo quản tài liệu trong một số lĩnh vực.

 

Chính vì vậy, nhằm thực hiện nhiệm vụ được giao tại Luật Lưu trữ và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, việc xây dựng và ban hành Thông tư quy định thời hạn lưu trữ hồ sơ, tài liệu ngành Công Thương là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng trong việc hoàn thiện quy định về thời hạn lưu trữ hồ sơ, tài liệu trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.

 

Việc xây dựng và ban hành Thông tư quy định thời hạn lưu trữ hồ sơ, tài liệu ngành Công Thương nhằm hoàn thiện quy định pháp luật, nâng cao hiệu quả trong việc quản lý, lưu trữ hồ sơ, tài liệu cũng như làm cơ sở xác định thời hạn lưu trữ hồ sơ, tài liệu ngành Công Thương.

 

Thời hạn lưu trữ hồ sơ, tài liệu

 

Dự thảo nêu rõ, thời hạn lưu trữ hồ sơ thẩm định xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; hồ sơ xây dựng, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định về hoạt động công nghiệp và xuất nhập khẩu; hồ sơ phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch; kế hoạch quy hoạch phát triển đề án, dự án các lĩnh vực ngành Công Thương... là vĩnh viễn.

 

Lưu trữ vĩnh viễn đối với hồ sơ đàm phán để ký kết các văn kiện trong lĩnh vực điện, than, dầu khí, năng lượng mới, năng lượng tái tạo và năng lượng khác; hồ sơ quản lý hoạt động trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (AO); hồ sơ phê duyệt nội dung hợp đồng dầu khí và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; hồ sơ phê duyệt điều chỉnh nội dung hợp đồng dầu khí và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh...

 

Thời hạn lưu trữ đối với hồ sơ tổ chức thực hiện vận hành thị trường điện lực cạnh tranh và tổ chức thực hiện; hồ sơ chỉ đạo xây dựng kế hoạch cung cấp điện, kiểm tra và giám sát tình hình cung cấp điện; hồ sơ vận hành hệ thống điện đảm bảo cân bằng cung cầu điện; hồ sơ hướng dẫn điều kiện, trình tự ngừng cấp điện, cắt điện hoặc giảm mức tiêu thụ điện... là 20 năm.

 

Hồ sơ chỉ định, chỉ định lại cơ quan kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu; hồ sơ kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu; hồ sơ chỉ định, chỉ định lại, chỉ định bổ sung chỉ tiêu đối với cơ sở kiểm nghiệm phục vụ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm... thời hạn lưu trữ là 10 năm.

 

Bên cạnh đó, dự thảo cũng nêu rõ, việc áp dụng các quy định về thời hạn lưu trữ hồ sơ, tài liệu được thực hiện như sau:

 

Thời hạn lưu trữ hồ sơ, tài liệu dùng để xác định thời hạn lưu trữ cho các hồ sơ, tài liệu ngành Công Thương.

 

Mức xác định thời hạn lưu trữ hồ sơ, tài liệu không được thấp hơn mức thời hạn lưu trữ được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

 

Đối với hồ sơ, tài liệu hình thành trong hoạt động của cơ quan, tổ chức chưa được quy định tại Thông tư này, cơ quan, tổ chức áp dụng thời hạn lưu trữ tương đương với nhóm hồ sơ, tài liệu tương ứng có trong Thông tư này và các quy định của pháp luật khác có liên quan để xác định.

 

Theo báo Chính phủ


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang