1. Phở chua
Nhắc đến phở chua, người ta thường quen nghĩ đến món phở chua Lạng Sơn. Nhưng thực tế phở chua Cao Bằng cũng rất nổi tiếng với những đặc trưng riêng đủ để ăn một lần là nhớ mãi không quên.
daolinh.278
Người sành ăn bảo chưa từng thấy bát phở nào đầy đặn và nhiều nguyên liệu như bát phở chua ở xứ này. Nào là thịt ba chỉ, vịt quay mắc mật, măng ớt, khoai tầu chiên giòn, gan lợn cắt mỏng, dạ dày luộc, lạc rang… được trộn thật đều, thật khéo với bánh phở và thành quả là một bát phở hấp dẫn đến khó chối từ.
@_nhungnhi93
2. Xôi trám (Khẩu nua mác bây)
Cây trám được trồng ở rất nhiều các tỉnh miền núi phía Bắc nhưng óc sáng tạo với thứ quả này thì không đâu sánh được với Cao Bằng. Ngoài kho, sốt, làm mứt…cho tới món xôi béo ngậy ăn một lại cứ muốn ăn hai.
Làm xôi trám không khó nhưng khá kỳ công, trám hái trên rừng về được tuyển lựa lấy những quả chín mọng, không bị sâu đem om cho mềm (ngâm với nước nóng từ 25-30 độ). Trám om rồi đem bóc vỏ đen, lựa lấy phần thịt trộn với xôi đã đồ chín đảo thật đều, nhuyễn, đến khi xôi có mầu hồng tím là được.
3. Lạp xưởng
Hương vị lạp xưởng Cao Bằng có vị đậm đà, thơm ngậy của thịt hun khói, dai dai của vỏ lòng non bào mỏng. Lạp xưởng Cao Bằng khi ăn có chỉ việc rán vàng hoặc nướng trên than hoa rồi thái mỏng ăn kèm cơm, xôi hay làm món nhậu đều rất hợp. Đây không chỉ là món ăn ngon, mà còn rất hợp để mua về làm quà.
4. Vịt quay 7 vị
Vịt quay ở Việt Nam đâu cũng có nhưng đặc biệt như vịt quay 7 vị ở Cao Bằng thì chỉ có một. Điểm đặc biệt của vịt quay ở đây là sự pha trộn 7 loại gia vị với nhau, sau đó rút từ từ vào bụng vịt để gia vị ngấm sâu vào từng thớ thịt sau đó dùng lạt tre khâu bụng lại để giữ cho gia vị không bị chảy ra ngoài. Trước khi bắc lên quay, vịt được quét qua một lớp mật ong và dấm để thịt mềm và không bị khô.
Vịt đã chín được chặt nhỏ xếp ra đĩa, da óng màu mật, rộm vàng cánh gián. Thịt ăn chắc ngọt, mềm nhưng không bở, không dai, miếng thịt thấm đủ vị, béo ngậy với mùi thơm vô vùng khó tả.
5. Bánh trứng kiến (Pẻng rày)
Bánh trứng kiến tuy là loại bánh đặc sản Cao Bằng nhưng chỉ có theo mùa bởi trứng kiến là không phải lúc nào cũng có. Bánh được làm từ bột nếp, trứng kiến và gói bằng lá của cây vả (một loại họ hàng của sung nhưng lá rất to) bánh ăn béo ngậy và hàm lượng đạm cao.
Không phải trứng của loài kiến nào cũng có thể sử dụng được, người Tày ở Cao Bằng chỉ lấy trứng của loại kiến đen thường làm tổ trên cây vầu. Trứng kiến đem phi mỡ lợn cho thơm, cho thêm ít lá hẹ để làm nhân. Bánh trứng kiến ăn dẻo, thơm mùi lá vả, béo và ngậy mùi trứng kiến. Đây là một trong những món ăn mang giá trị văn hoá của đồng bào dân tộc Tày tỉnh Cao Bằng.
6. Bánh cuốn chan canh
Ai từng một lần thưởng thức món bánh cuốn đặc sản của Cao Bằng này sẽ chẳng thể quên được sự độc đáo của món này. Bánh cuốn ở Cao Bằng không tráng trước, có khách gọi, chủ quan nhanh tay tráng bột, cuốn bánh nhưng các nguyên liệu làm nhân có thể xào sẵn.
Bánh cuốn Cao Bằng có nước dùng, giò và các gia vị hấp dẫn thực khách - Ảnh: Huyền Trần
Nhưng nét đặc biệt riêng có của bánh cuốn Cao Bằng là ở nước dùng. Đó là thứ nước canh ninh từ xương heo loại ngon, khi chan ra bát là thấy rõ hương tủy xương thơm lừng, ngọt lịm bởi xương được chủ quán ninh từ tối hôm trước.
Bánh cuốn Cao Bằng đặc biệt nhất khi ăn cùng nước dùng ninh xương - Ảnh: Huyền Trần
Đi kèm bát nước dùng được cho thêm vào vài thìa thịt băm nhuyễn, rắc chút hành xanh mướt trông vô cùng hấp dẫn. Chính vì vậy bánh cuốn Cao Bằng còn có tên gọi là bánh cuốn canh để phân biệt với bánh cuốn chấm nước mắm của vùng miền khác.
7. Hạt dẻ Trùng Khánh
Hạt dẻ Trùng Khánh là thứ quà chắc chắn bạn phải mua về làm quà khi tới Cao Bằng nếu đúng cữ mùa hạt dẻ (khoảng tầm tháng 10,11). Hạt dẻ ở đây có màu nâu đều tròn trịa, hạt đều tăm tắp, khi chưa chế biến vỏ cứng, dày và có nhiều lông tơ, khi ăn ngọt bùi.
Hạt dẻ Cao Bằng có thể luộc, hấp hoặc nướng đều rất thơm ngon. Hạt dẻ khi chín vỏ tự khắc nẻ ra và bạn chỉ cần tách nhẹ, sẽ “chạm” vào ngay lớp bột mịn như bột bánh vừa thơm, vừa bùi chỉ ăn một lần sẽ muốn ăn mãi.
Afamily.vn