Cụ thể, tổng trị giá hàng hoá xuất khẩu của trong kỳ 1 tháng 3 (1-15/3) đạt 10,95 tỷ USD, tăng 13,6% (tương ứng tăng 1,31 tỷ USD) so với nửa cuối tháng 2/2019. Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/3, tổng trị giá xuất khẩu của cả nước đạt 47,05 tỷ USD, tăng 5,4% (tương ứng tăng 2,4 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2018.
So với nửa cuối tháng 2, xuất khẩu trong kỳ 1 tháng 3 tăng mạnh ở một số mặt hàng: Điện thoại các loại và linh kiện tăng 363 triệu USD, tương ứng tăng 15,7%; hàng dệt may tăng 269 triệu USD, tương ứng tăng 27,2%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 198 triệu USD, tương ứng tăng 17,3%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 123 triệu USD, tương ứng tăng 39,2%, phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 92 triệu USD, tương ứng tăng 27,4%...
Trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong kỳ này đạt 7,82 tỷ USD, tăng 12,7% (tương ứng tăng 0,88 tỷ USD) so với nửa cuối tháng 2/2019.
Đối với tổng trị giá xuất nhập khẩu nói chung, trong kỳ 1 tháng 3, cả nước đạt kim ngạch 21,3 tỷ USD, tăng 18,6% (tương ứng tăng 3,34 tỷ USD) so với nửa cuối tháng 2/2019. Lũy kế từ đầu năm đến hết ngày 15/3, tổng trị giá xuất nhập khẩu cả nước đạt 93,6 tỷ USD, tăng 6,3%, tương ứng con số tăng thêm 5,55 tỷ USD so với kết quả thực hiện cùng thời gian năm 2018.
Với kết quả trên, cán cân thương mại nửa đầu tháng 3 đạt mức thặng dư gần 610 triệu USD, qua đó tiếp tục giữ cho cán cân thương mại của Việt Nam từ đầu năm đến hết ngày 15/3 đạt mức thặng dư khoảng 500 triệu USD.
Năm 2019 được dự báo sẽ có nhiều khó khăn, biến động đến kinh tế thế giới nói chung, qua đó có tác động đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam. Bộ Công Thương đang nỗ lực phấn đấu chỉ tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7 - 8% so với năm 2018; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%. Trong chỉ đạo điều hành, Bộ Công Thương sẽ triển khai nhiều biện pháp, giải pháp tổ chức tốt hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu để phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu này.
Theo báo Công Thương