Theo Tập đoàn Dệt may, 10 tháng năm 2016, kim ngạch XK dệt may đạt trên 23,3 tỷ USD, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2015. Tuy nhiên, quỹ thời gian của năm 2016 còn quá ít để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu từ 28 – 29 tỷ USD trong năm 2016.
Ba cơ hội cho dệt may dù không có TPP
Theo ông Dương, nếu nói TPP là chuyện sống còn của ngành dệt may là không đúng. Bởi thực tế hiện nay, nếu có TPP thì thêm cơ hội cho ngành dệt may XK vào Mỹ vì TPP không có Trung Quốc, nhưng nếu không có TPP thì XK dệt may vào Mỹ cũng không có nhiều thay đổi.
Xuất khẩu sản phẩm dệt may 6 tháng đầu năm 2016 (Đvt: triệu USD)
Thứ nhất, muốn hưởng lợi từ TPP thì ngành dệt may phải có mọi công đoạn sản xuất “từ sợi trở đi”, tức là phải thực hiện trong nước hoặc tại các nước trong khu vực TPP. Nhưng đến nay ở VN, không có địa phương nào muốn đầu tư vào ngành dệt bởi những hệ lụy môi trường mà nó đem lại. Mặt khác đa số nguyên liệu của ngành dệt may vẫn đang phải nhập khẩu nên rõ ràng quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi” khó thực hiện được.
Thứ hai, ông Trump từ khi tranh cử đã tuyên bố rằng sẽ đánh thuế nhập khẩu 45% đối với hàng hoá Trung Quốc. Nếu điều này xảy ra, chắc chắn các nhà đầu tư đang đầu tư sản xuất ở Trung Quốc sẽ tìm thị trường khác để chuyển dịch đầu tư, trong đó VN sẽ là một điểm đến phù hợp nhất.
Thứ ba, một số nhà đầu tư đầu tư vào dệt may VN nhằm đón đầu hưởng lợi từ TPP đang bắt đầu có dấu hiệu nghe ngóng tình hình TPP. Nếu TPP chính thức không được thông qua, rất có thể các nhà đầu tư này sẽ tìm hướng khác. Khi đó, nguồn lực của ngành dệt may XK sẽ chủ yếu dựa vào các DN nội địa. Đó là một cơ hội.
Bớt áp lực lên DN nội
“Nhìn tổng thể bức tranh XK dệt may 2017 không đến mức u ám như các nhận định gần đây” – ông Dương nhận định và dẫn chứng rằng, bản thân Tổng Cty may Hưng Yên, dù mấy tháng trước việc có đơn hàng rất khó khăn, nhưng nay thì tình hình đã khởi sắc hơn, một số đơn hàng đến tháng 3, tháng 4 sang năm đã được ký. Gần đây, nhiều khách hàng năm ngoái đặt vấn đề tăng cường sản xuất với may Hưng Yên còn “lừng khừng” thì năm nay đã “xắn tay” ký hợp đồng với may Hưng Yên. Ông cũng hi vọng rằng sau Tết, các đơn hàng sẽ tiếp tục ổn định cho đến hết tháng 9, 10/2017.
Còn ông Lê Quang Hùng -Chủ tịch HĐQT Cty CP Sản xuất Thương mại May Sài Gòn (Garmex Saigon) cho biết, thực tế, hoạt động sản xuất kinh doanh của Garmex Saigon ở tình trạng chưa có TPP. Lãnh đạo Cty cũng không đặt nặng TPP vào tư duy kinh doanh, giả sử TPP được thông qua thì cũng phải sau hai năm mới có hiệu lực. Đến thời điểm này, sau kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ, thị trường Hoa Kỳ chưa có động thái gì về việc giảm đơn hàng.
Ông Hùng cũng đồng quản điểm với ông Dương khi cho rằng, nhiều DN FDI dệt may thời gian qua đã đầu tư sản xuất khép kín để đón đầu TPP. Khi có TPP, họ sẽ chiếm nhiều lợi thế và DN trong nước sẽ bất lợi về cạnh tranh vì không có đủ nguồn cung nguyên liệu để đáp ứng quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi trong TPP.
“Nhưng nay, nếu không có TPP, DN VN sẽ có cơ hội tận dụng nguồn nguyên liệu dư dôi từ các DN FDI sản xuất để từ đó có thể tận dụng những hiệp định khác. Không có TPP có thể cũng giảm bớt áp lực cạnh tranh cho DN Việt” – ông Hùng nói.
Nguồn Enternews