Thứ Sáu, 22/11/2024 23:17:41 GMT+7
Lượt xem: 2502

Tin đăng lúc 04-04-2017

Dệt may loay hoay vì nguyên - phụ liệu

Mỗi năm, Việt Nam thu về hàng chục tỷ USD từ dệt may xuất khẩu nhưng các doanh nghiệp (DN) trong ngành này chỉ đạt lợi nhuận trên dưới 2 tỷ USD. Có số “lãi” khiêm tốn này là do bao năm nay, ngành dệt may vẫn đang phải chi hơn một nửa doanh thu để nhập khẩu nguyên - phụ liệu.
Dệt may loay hoay vì nguyên - phụ liệu
Ảnh minh họa

Thống kê mới đây của Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam đang chỉ cung cấp được 0,3% nhu cầu về bông, 40% nhu cầu xơ. Đặc biệt, khâu dệt vải dù tạo ra gần 2,8 tỷ mét vải/năm (chiếm 30% nhu cầu) song vẫn phải nhập khẩu 6,1 tỷ mét vải từ các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan...

 

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, năm 2016, kim ngạch xuất khẩu của dệt may Việt Nam đạt 28,1 tỷ USD, tăng 3,3% so với năm 2015, chiếm 16% kim ngạch xuất khẩu cả nước.

 

Sức ép cạnh tranh lớn

 

Từ năm 2010 đến nay, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của khối DN FDI luôn duy trì ở mức cao. Năm 2016, khối DN FDI xuất khẩu đạt 16,6 tỷ USD, chiếm 57,7% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Đồng thời, theo thống kê của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, 30% DN FDI đang chiếm tới 70% doanh số, trong khi 70% DN Việt chỉ chiếm 30% (trên dưới 7 tỷ USD).

 

Thị trường thế giới ngày càng biến động, năm 2016 được đánh giá là năm khó khăn nhất kể từ năm 2008 đến nay đối với xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam.

 

Việc Trung Quốc thay đổi chính sách từ trợ giá cho người sản xuất bông để dự trữ bông quốc gia chuyển sang bán bông dự trữ quốc gia với giá thấp sát giá thị trường khiến DN Trung Quốc giảm nhập khẩu sợi của Việt Nam, mua bông nội địa sản xuất sợi.

 

“Chứng tỏ các nước sản xuất hàng dệt may khác đang đưa ra những chính sách tích cực để giảm chi phí đầu vào cho DN, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh và thu hút đơn hàng từ Việt Nam”, Bộ Công Thương nhận định.

 

Bên cạnh đó, các nước cũng bắt đầu tăng cường sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại với Việt Nam. Theo thống kê của Bộ Công Thương, từ năm 2007 đến nay, hàng xơ sợi xuất khẩu của Việt Nam bị kiện 7 vụ, trong đó có 5 vụ kiện chống bán phá giá, một vụ kiện chống trợ cấp và một vụ kiện áp dụng biện pháp tự vệ từ Thổ Nhĩ Kỳ, EU, Ấn Độ và Brazil.

 

Hiện tại, Việt Nam đang bị Thổ Nhĩ Kỳ áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng sợi dún polyester và sợi nhân tạo tổng hợp; bị Ấn Độ điều tra chống bán phá giá đối với sợi spandex từ tháng 1/2016.

 

Đánh giá về năng lực của ngành dệt may, bà Đỗ Kim Chi, Viện Nghiên cứu Thương mại, Bộ Công Thương, nhận định, thị phần hàng dệt may của Việt Nam, nhất là hàng dệt, vẫn nhỏ hơn nhiều so với Trung Quốc - đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam trong xuất khẩu hàng dệt may sang nước khác.

 

Trung Quốc chiếm tới 36,59% tổng xuất khẩu hàng dệt và 38,63% tổng xuất khẩu hàng may mặc thế giới trong khi tỷ trọng tương ứng của Việt Nam là 1,59% và 4,49%. Nguyên nhân chủ yếu là do năng lực cạnh tranh kém của hàng dệt may Việt Nam so với Trung Quốc trên thị trường thế giới.

 

Cụ thể, bà Chi phân tích, về tỷ trọng phần trăm trên thị trường thế giới, Trung Quốc đứng thứ nhất trong khi Việt Nam xếp thứ 14. Về chỉ số đa dạng sản phẩm (số các sản phẩm tương tự), Trung Quốc đứng thứ 5 trong khi Việt Nam nằm thứ 38. “Như vậy, nước xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới đang có năng lực cạnh tranh cao hơn nhiều so với Việt Nam”, bà Chi nhận xét.

 

Thụ động về nguyên liệu

 

Trong bối cảnh sức ép cạnh tranh ngày càng gia tăng, ngành dệt may Việt vẫn chưa thoát khỏi lệ thuộc vào nguồn nguyên - phụ liệu nhập khẩu. Bộ Công Thương cho biết, đối với bông: Việt Nam phụ thuộc 99% bông nhập khẩu; năm 2016 nhập khẩu bông đạt 1,03 triệu tấn, trị giá khoảng 1,7 tỷ USD, tăng 2% về lượng và 2,5% về giá trị so với năm 2015.

 

Về xơ sợi, dệt may nhập khẩu đạt 861.000 tấn, trị giá 1,6 tỷ USD, tăng 8,8% về lượng và 5,9% về trị giá so với năm 2015. Nhập khẩu vải năm 2016 đạt 10,5 tỷ USD, tăng 3,2% so với năm 2015 và chiếm gần 40% giá trị xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam.

 

Điều này cho thấy rằng chuỗi cung ứng ngành dệt may Việt Nam còn tồn tại nhiều bất cập, cùng với sự yếu kém trong khâu sản xuất nguyên - phụ liệu đầu vào đã ảnh hưởng đến khả năng phát triển của ngành dệt may Việt Nam, nhất là trước những cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do.

 

Hiện nay, Việt Nam mới cung cấp được 0,3% nhu cầu về bông, 40% nhu cầu xơ, còn lại là phải nhập khẩu từ Hoa Kỳ, Trung Quốc và Đài Loan. Sản lượng sợi đạt 1,4 triệu tấn/năm nhưng hơn 70% là xuất khẩu; trong khi đó lại nhập khẩu gần 0,1 triệu tấn sợi chỉ số cao từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan.

 

Khâu dệt vải tạo ra gần 2,8 tỷ mét vải/năm (chiếm 30% nhu cầu), vẫn phải nhập khẩu 6,1 tỷ mét vải từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, những nước không tham gia các Hiệp định thương mại tự do lớn như TPP, EVFTA, VJEPA (chiếm hơn 70%).

 

Về phụ liệu may, trong nước hiện đã có các cơ sở sản xuất một số chủng loại phụ liệu chính như: chỉ may, bông tấm, mex dính, cúc nhựa, khóa kéo, băng chun, nhãn mác, bao bì... nhưng cũng chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu của thị trường trong nước, còn lại vẫn phải nhập khẩu.

 

Trước đó, theo báo cáo của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ngành dệt may Việt Nam đang nằm ở phân đoạn có giá trị gia tăng thấp nhất trong chuỗi cung ứng bởi 70% xuất khẩu theo CMT - gia công; 20% là FOB 1 (mua nguyên liệu, tự sản xuất và bán hàng trực tiếp không qua trung gian) và 2,9% theo hình thức ODM (tự thiết kế, sản xuất) và 1% theo OBM (làm tất cả các khâu sản xuất ra thành phẩm và tự phân phối).

 

Bà Kim Chi đánh giá, việc tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành dệt may vẫn đang dừng lại ở mức bị động, chỉ tập trung vào những phần dễ làm, chưa hướng đến nhu cầu của thị trường để tìm cách đáp ứng. Hơn nữa, ngay bản thân các DN sản xuất hàng gia công cũng rất thụ động trong việc tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường.

 

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, về dư địa tăng trưởng từ nỗ lực nội tại, hàng dệt may còn nhiều khả năng tăng trưởng trong thời gian tới khi có thể cải thiện để tăng thêm 30% về năng suất lao động, 20% tỷ lệ nội địa hóa qua việc phát triển mạnh hơn công nghiệp phụ trợ...

 

Nguồn Thời báo Kinh doanh


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang