Đầu tư nước ngoài lấn át, hưởng lợi
Những thông tin trên được đưa ra tại buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Các giải pháp giúp doanh nghiệp dệt may hưởng lợi lớn nhất từ TPP” do báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức ngày 23.3 tại Hà Nội.
Theo ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên, khi dệt may gia nhập TPP, chúng ta cần bàn thêm về việc nước ngoài hưởng lợi.
“Về vốn, chúng ta mới chỉ có 5 tỉ đồng vốn điều lệ. Tỷ lệ này có quá nhỏ trong khi ở nước ngoài thì khoảng 1 tỉ đô la, ta được một phần thì nước ngoài được 4 phần. Công nghệ ta cũng kém hơn nước ngoài. Đó cũng là thách thức của lực lượng lao động Việt” – ông Dương so sánh.
Tuy nhiên, theo ông Dương, đến một lúc nào đó, TPP là cơ hội để chúng ta phát triển. Ta không nên nghĩ là ta mất cơ hội mà coi đó là tài nguyên để nuôi ngành công nghệ dệt may phát triển.
Cũng nói về điểm yếu, ông Trương Văn Cẩm – Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng đó chính là việc liên kết giữa các doanh nghiệp. Doanh nghiệp Việt chưa tìm được khách hàng trực tiếp mà thường xuất khẩu sang trung gian nên họ rất dễ chỉ định chúng ta dùng nguồn nguyên vật liệu của họ. Và khách hàng lớn cũng chỉ định dùng dịch vụ logictis của hãng tàu biển theo yêu cầu của họ…
“Nước ta liên kết rời rạc, còn phía nước ngoài họ gắn kết rất chặt chẽ với nhau. Thậm chí họ bắt tay với nhau để nâng giá và gây khó cho doanh nghiệp Việt. Đứng về phía Hiệp hội, chúng tôi làm cầu nối giữa hội viên với cơ quan quản lý nhà nước” – ông Cẩm nói.
Theo ông Cẩm, vào TPP, một số tác động tiêu cực có thể dự báo là: Đầu tư nước ngoài sẽ lấn át đầu tư trong nước, và họ mới là người hưởng lợi nhiều nhất từ TPP, nếu các doanh nghiệp trong nước không hợp lực, liên kết để phát triển
Quá trình gỡ “nút thắt”
Theo ông Nguyễn Xuân Dương, để tận dụng khả năng tối đa khi vào TPP, các doanh nghiệp nên chú trọng khai thác những gì mà mình có, cần chuẩn bị các nguồn nguyên liệu nội khối mà chúng ta hiện chỉ có 10%.
Ông Dương cho biết hiện thể chế của chúng ta không giống ai, chi phí của chúng ta còn quá lớn. Làm thế nào đó trong vòng vài năm tới chúng ta phải cái cách các chế độ hành chính để phù hợp với các nước TPP.
“Chúng ta mới chỉ bàn những thứ người khác cho ta, nhưng cái cần thiết là phải xem chúng ta chúng ta làm được gì? Chúng ta làm gia công có sống được không? Nếu chúng ta làm được một cái gì đó tốt thì chúng ta vẫn có thể sống tốt” – ông Dương nói.
Còn theo ông Trương Văn Cẩm, muốn hưởng lợi lớn nhất từ TPP thì từng cấp doanh nghiệp, hiệp hội phải tập trung vào nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, quốc gia. Hiệp hội phải làm thế nào để hiểu được nội dung của TPP sau đó phải biết chúng ta đang có lợi thế gì? Cơ hội thách thức ra sao, điểm mạnh, yếu để đưa ra các giải pháp phù hợp...?
Ông Vũ Huy Đông- Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đam San thắc mắc Việt Nam là nước đứng thứ 5 thế giới về sợi, các chủng loại sợi đều sản xuất được hết, nhưng tại sao lại không đưa vào ngành dệt may phát triển được? Chúng ta đều sản xuất được các mặt hàng và chúng ta xuất khẩu chủ yếu sợi (80%), đây là “nút thắt cổ chai” cần giải quyết.
Ông Đông cho rằng tẩy nhuộm hoàn tất sẽ ô nhiễm tới môi trường, đòi hỏi trình độ của người lao động phải cập nhật được công nghệ mới. Để đáp ứng xuất xứ về TPP thì chúng ta cần đầu tư vào ngành dệt và ngành tẩy nhuộm, tuy nhiên ngành dệt cần kết hợp sợi và may nhưng hiện nay hai ngành này vẫn chưa kết hợp được. Đây là vấn đề khó giải quyết.
Theo ông Đông, Chính phủ và doanh nghiệp cần kết hợp để giải quyết bởi cứ đi nhập khẩu sẽ không mang nhiều lợi nhuận, cần đầu tư và nghiên cứu chuyên sâu về dệt và sợi” – ông Đông nói. “Tôi đã đi nhiều nước nhưng chưa bao giờ mua được sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu để có thể gọi tên trong chuỗi siêu thị trên trường quốc tế. Đó là điểm yếu chúng ta cần nhìn lại khi vào TPP”.
Ông Vương Đức Anh (Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương) cho biết đối với Việt Nam thì dệt may là mặt hàng có lợi ích cốt lõi trong đàm phán và do đó đàm phán diễn ra lâu dài và khó khăn. Các doanh nghiệp ngoài chuyện chuẩn bị về năng lực sản xuất thì cũng cần phải quan tâm tới quy tắc xuất xứ của ngành hàng này để nắm bắt cơ hội phát triển bền vững.
Theo Trí Lâm/ Một thế giới