Giai đoạn 2011 – 2016, các doanh nghiệp (DN) ngành Dệt may Việt Nam đã có sự phát triển thuận lợi, sản xuất ổn định, giá trị sản xuất công nghiệp có tốc độ tăng trưởng bình quân 17%/năm, và chiếm 7,7% giá trị sản xuất của toàn ngành công nghiệp. Hàng dệt may của Việt Nam đã xuất khẩu tới hơn 180 quốc gia trên toàn thế giới, thị trường chính của ngành Dệt may là các nước phát triển với sức mua lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc. Tuy không phải là thị trường xuất khẩu lớn, nhưng Asean cũng là một trong những thị trường được các DN dệt may Việt Nam rất quan tâm. Trong quy hoạch phát triển ngành Dệt may Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương phê duyệt, các DN dệt may sẽ tập trung nâng cao năng lực sản xuất để dịch chuyển phương thức sản xuất từ gia công sang các hình thức khác. Đầu tư phát triển các mặt hàng dệt kim, dệt thoi và tập trung vào khâu dệt nhuộm hoàn tất vải. Các dự án đầu tư sản xuất sợi, dệt, nhuộm, lựa chọn công nghệ sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm và ít gây ô nhiễm môi trường; khuyến khích phát triển chuỗi công ứng dệt may để tăng tỉ lệ nội địa hóa trong các sản phẩm xuất khẩu đến năm 2020 đạt 65%.
Năm 2016, là một năm có bước nhảy vọt của Việt Nam về hội nhập kinh tế quốc tế với việc hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN, trong đó có cộng đồng kinh tế AEC. Việc tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do với các nước trong khu vực và trên thế giới đã giúp các DN của Việt Nam có cơ hội tiến sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, các DN trong nước cần chủ động tổ chức quá trình phân công và hợp tác theo chuỗi giữa các DN từ khâu thiết kế sản phẩm, dệt, nhuộm, đến may mặc, nhằm đảm bảo quy tắc xuất xứ, cũng như tính cạnh tranh của chuỗi cung ứng hàng dệt may Việt Nam. Bên cạnh đó, các DN cũng cần chú trọng quảng bá và xây dựng thương hiệu để phục vụ tiêu dùng trong nước, tiến tới xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Đặc biệt, phải nhận thức được lợi ích mà cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) mang lại.
Nằm trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, Công ty TNHH Trường Phúc chuyên xuất khẩu các sản phẩm hàng hóa dệt may tới các thị trường chính là châu Âu và một số nước châu Á. Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu sang những thị trường này là áo sơ mi, jackes và quần theo đơn đặt hàng của các đối tác. Trong các thị trường xuất khẩu của Công ty tại châu Á thì Hàn Quốc và Nhật Bản là hai thị trường chính, có số lượng sản phẩm chiếm 30% tổng sản phẩm xuất khẩu của toàn Công ty. Tuy nhiên, bên cạnh ưu điểm là tính ổn định cao, thì thị trường châu Á lại có nhược điểm là số lượng đơn hàng không lớn, nhỏ lẻ, trong khi đơn giá và yêu cầu đòi hỏi kỹ thuật cao. Xác định rõ ưu điểm và nhược điểm của thị trường, cùng với việc đầu tư xây dựng một hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, doanh nghiệp này đã chứng tỏ được sự phát triển của mình khi luôn đảm bảo được việc làm cho hơn 750 CBCNV trong Công ty.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đình Lập - Giám đốc Công ty TNHH Trường Phúc, Tp. Hưng Yên chia sẻ: “Cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập đã đem lại rất nhiều thuận lợi cho DN Việt Nam nói chung và DN xuất khẩu Việt Nam nói riêng. Các DN được tạo điều kiện khi làm thủ tục hỗ trợ xuất khẩu may mặc ra nước ngoài, bên cạnh đó, Nhà nước đã có những chính sách ưu đãi cho các DN xuất khẩu dệt may. Khi xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường châu Á với ưu điểm là thị trường ổn định, nhưng nhược điểm là các đơn hàng không lớn, đơn giá thấp, chất lượng sản phẩm đòi hỏi cao, do đó, Công ty đã đưa ra những phương án phát triển kinh doanh phù hợp để có thể khai thác tốt những tiềm năng tại thị trường ASEAN”.
Đồng hành cùng DN cả nước, các cơ quan, ban, ngành, tổ chức, hiệp hội đang nỗ lực hướng vào việc hình thành chuỗi cung ứng sản phẩm để khắc phục nhược điểm của từng loại sản phẩm tiêu thụ trên thị trường trong nước và xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, đồng thời khuyến khích các DN xây dựng và quảng bá thương hiệu, phấn đấu đưa nước ta có nhiều thương hiệu thời trang mạnh.
Với mong muốn để đạt được mục tiêu là tham gia tích cực vào mái nhà chung trong khối ASEAN, ông Phan Chí Dũng – Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương khẳng định: “Việt Nam sẽ tiến hành nhiều hoạt động tăng cường hợp tác với các nước, trong đó có các nước trong khối ASEAN để kết hợp và thúc đẩy sự phát triển bền vững chuỗi cung ứng dệt may. Việc thực hiện những cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho việc phát triển ngành Dệt may nói chung và việc hình thành chuỗi cung ứng dệt may tại Việt Nam nói riêng. Chính phủ Việt Nam và Bộ Công Thương sẽ rà soát cơ chế chính sách, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện, thu hút doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài đầu tư vào dệt may, đặc biệt là trong lĩnh vực dệt, nhuộm, hoàn tất vải, tăng cường hợp tác với Chính phủ các nước bạn, nhằm phát triển hơn nữa chuỗi cung ứng dệt may trong khu vực cũng như trên thị trường quốc tế.
Có thể nói, Việt Nam đang là một trong những quốc gia đang dẫn đầu thế giới về hàng hóa dệt may xuất khẩu. Tuy nhiên, ngành Dệt may Việt Nam hiện đang phải nhập khẩu khá nhiều nguyên liệu, dẫn đến giá trị thặng dư không tương xứng với tiềm năng của ngành. Chính vì vậy, để nâng cao khả năng cạnh tranh, đồng thời từng bước hội nhập với xu hướng phát triển chung của ngành dệt may khu vực và thế giới thì việc tham gia vào chuỗi cung ứng dệt may ASEAN được coi là giải pháp hữu hiệu cho ngành Dệt may Việt Nam. Do đó, để phát huy tối đa thế mạnh của các nước, việc liên kết thành một chuỗi sản xuất tạo ra sản phẩm cuối cùng trong khối ASEAN là rất quan trọng.
Anh Lê