Thứ Bẩy, 23/11/2024 15:44:35 GMT+7
Lượt xem: 771

Tin đăng lúc 08-06-2022

Đi bộ trên cầu Long Biên

Tôi thích nhất là được đi bộ trên cầu Long Biên để được “thả hồn” trên cây cầu di sản. Vừa đi vừa nhẩn nha rờ tay vào thành cầu, cái cảm giác ram ráp lan vào cơ thể khiến tôi thấy chộn rộn.
Đi bộ trên cầu Long Biên
Đi bộ trên cầu Long Biên là cách hoài niệm của nhiều người Hà Nội

Đến chỗ dòng chính, tôi đứng lại và đưa mắt nhìn tuốt lên mạn ngược. Phía ấy thấp thoáng cây cầu Nhật Tân, xa hơn nữa là cầu Thăng Long hai tầng lừng lững. Dưới sông, dòng chảy từ khi được Nhà máy thủy điện Hòa Bình điều tiết nước nên không còn cuồn cuộn ngầu đỏ nữa nhưng dòng sông vẫn thế, vẫn mải miết đổ về phía biển. Thỉnh thoảng, từng đoàn xà lan nặng nề xuôi ngược. Khói tàu phả lên mùi dầu diesel khen khét.

 

Nhớ những chiều được nghỉ học, tôi chạy chơi ngoài bãi sông, giơ tay vẫy những chiếc thuyền gỗ dài, rộng đang lặng lẽ đi. Những chiếc thuyền giương cao cánh buồm nâu, chiếc thì thong dong về xuôi, chiếc thì bươn bả ngược dòng. Nhìn những cánh buồm nâu, tôi lại nhớ đến câu thơ của thi sĩ Nguyễn Bính: “Hôm nay trên bến xuôi đò/ Thương nhau qua cửa tò vò nhìn nhau/ Anh đi đấy, anh về đâu?/ Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm...”. Quả thực, nhìn những chiếc thuyền gỗ với những cánh buồm nâu ấy, người vô tâm nhất cũng phải nao lòng, huống hồ những kẻ mơ mộng.

 

Dạo trước, tôi thỉnh thoảng trốn nhà đi chơi và thường đi bộ lên cầu Long Biên, đứng ép sát thành cầu bên chiều vào thành phố để xem bóng đá. Đó là những buổi chiều hè nắng còn gay gắt. Sân vận động Long Biên nằm ngay dưới cầu, phía hạ lưu. Đó là một bãi đất khá rộng, được thành phố quy hoạch thành một sân bóng đá dành cho lớp cầu thủ phong trào, tạo nền móng cho lớp cầu thủ chuyên nghiệp của các đội bóng lừng danh ở Thủ đô như Thể Công, Công an Hà Nội hay Đường sắt... Vì thế, trên sân vận động Long Biên luôn đông vui nhộn nhịp. Tôi đi bộ “ngược đường” theo lối xuống cầu và là lối lên ga Long Biên (thường gọi là ga Đầu cầu) để lên cầu và đứng xem đá bóng. Tôi thường đứng xem một mình, cũng có hò hét, cũng tiếc nuối khi cầu thủ đá trượt hoặc vọt xà. Trẻ con chỉ cần được xem bóng đá mà không phải mua vé vào sân là thích rồi. Sướng nữa thì gào lên gọi tên một cầu thủ mà mình thích.

 

Về tối lại thêm cái thú khác nữa, đó là xem phim. Bãi chiếu bóng Long Biên ở cạnh sân vận động Long Biên. Dĩ nhiên, một địa điểm chiếu phim ngoài trời có bán vé nên người ta đã xây tường rào xung quanh. Xem phim ở bãi chiếu bóng ngoài trời đầu óc thênh thang hơn. Người đến xem cũng đông và sôi nổi hơn chứ không trật tự như ngồi trong rạp. Có lần, tôi đứng trên cầu để xem phim miễn phí. Tối hôm ấy, người ta chiếu một bộ phim chiến đấu của Liên Xô, lâu quá rồi tôi không nhớ tên cũng như nội dung của bộ phim. Chỉ có một chi tiết mà bây giờ mỗi khi nhớ lại, tôi lại thấy buồn cười.

 

Số là, tối hôm ấy tôi lên cầu và đứng xem phim thì bộ phim đã chiếu được mấy cuốn. Tôi chăm chú xem rồi tự hình dung ra phần trước. Hôm sau, ngồi hè phố nói chuyện với mấy thằng bạn, tôi hăng hái kể lại bộ phim. Kể đến đoạn chiến sĩ kỵ binh Budionui cưỡi ngựa truy đuổi quân Bạch vệ, cao hứng lên tôi kể rằng: "Anh Hồng quân ấy cầm kiếm bằng tay trái mà chém quân Bạch vệ nhát nào trúng nhát nấy". Thằng Bình đang ngồi nghe bỗng đứng phắt dậy nói to: “Anh ấy cầm kiếm bằng tay phải chứ không phải tay trái”. Tôi bực mình cãi to hơn: “Rõ ràng tao nhìn thấy anh ấy cầm kiếm bằng tay trái”. Rồi tôi còn thêm thắt cho câu chuyện thêm phần gay cấn: “Anh ấy nghệ cao nên chưa thèm cầm kiếm bằng tay phải. Anh ấy mới chỉ dùng tay trái thôi mà đã chém được khối thằng Bạch vệ”. Thằng Bình tức lắm vì tôi nói to hơn và kể hay hơn. Nó ấm ức nói với lũ bạn: “Phim đó tao cũng mới xem ở rạp Bắc Đô. Rõ ràng là anh ấy cầm kiếm bằng tay phải”. Tôi “xì” một cá rồi bĩu môi: “Tao không thèm vào xem rạp. Xem phim bãi thích hơn”.

 

Câu chuyện kết thúc ở đây bất phân thắng bại. Thằng Bình đứng dậy bỏ về sau khi cũng buông một tiếng “xì” be bé. Tối hôm đó, tôi lại lên cầu. May quá, tối nay họ chiếu lại bộ phim tối qua. Lúc đứng xem phim, tôi mới ớ ra. Thì ra, để hạn chế người đứng trên cầu xem phim “miễn phí” và để cầu không bị ùn ứ nên đội chiếu bóng bãi Long Biên đã dựng phông chiếu bóng quay lưng vào cầu. Vậy là tối qua tôi đã xem phim ngược nên tay phải thành tay trái. Tôi tự ngượng với chính mình chứ nhất quyết không chữa lại với bọn bạn, nhất là thằng Bình. Giờ ngoài sáu mươi rồi, gặp lại Bình, tôi vẫn im thít chuyện “tay phải thành tay trái” năm nào. Cũng may mà Bình mau quên.

 

Gió sông thổi lên mát rượi. Tôi đứng hóng gió và nuối tiếc một thời đã qua...

 

Theo Hà Nội mới


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang