Thứ Năm, 21/11/2024 19:28:32 GMT+7
Lượt xem: 168

Tin đăng lúc 28-10-2024

Đi khắp Hà Nội không mua nổi 1 chỉ vàng; Temu hoạt động 'chui' ở Việt Nam

Khó mua vàng nhẫn; Temu hoạt động 'chui' ở Việt Nam; doanh nghiệp của bầu Đức báo lãi lớn; Eximbank lên tiếng về những tin đồn; có cơ chế giá cho điện mặt trời mái nhà dư phát lên lưới... là những thông tin kinh tế đáng chú ý tuần qua.
Đi khắp Hà Nội không mua nổi 1 chỉ vàng; Temu hoạt động 'chui' ở Việt Nam

Đi khắp Hà Nội không mua nổi 1 chỉ vàng nhẫn để mừng cưới

 

Tại các cửa hàng như Bảo Tín Minh Châu, PNJ, Bảo Tín Mạnh Hải,... đều thông báo không bán vàng nhẫn. Tuy nhiên, người mua vẫn bất chấp chờ từ sáng sớm đến tối muộn dù có tiệm yêu cầu phải đặt trước 20 ngày.

 

Bà Minh (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: "Tôi có đứa cháu sắp cưới, định mua chỉ vàng để mừng cho nó như đã hứa từ trước. Phải mua vàng có thương hiệu, có giấy tờ đàng hoàng để sau này nó cần muốn bán cũng dễ. Thế mà hai hôm nay ra đây vẫn chưa mua được", bà Minh kể. 

 

Ngược lại, trên “chợ mạng” giao dịch vàng lại rất rầm rộ. Người mua, kẻ bán nhộn nhịp, liên tục đăng bài rao mua - bán, trả giá chênh cao so với giá chính thức trên thị trường. 

 

Temu hoạt động 'chui' ở Việt Nam

 

Temu - nền tảng thương mại điện tử đang tiến vào thị trường Việt Nam một cách rầm rộ, nổi bật với những sản phẩm giá siêu rẻ. Song, theo đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, trang thương mại điện tử Temu chưa công bố chính thức vào Việt Nam.

 

Sau khi bị "bóc" hoạt động bán hàng chui ở Việt Nam, Temu ngay lập tức có văn bản chính thức gửi cơ quan chức năng Bộ Công Thương về việc thực hiện các yêu cầu tuân thủ pháp luật thương mại điện tử Việt Nam khi gia nhập thị trường. 

 

Bên lề phiên họp tổ sáng 26/10, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho VietNamNet biết, ông đã nghe về sàn Temu và yêu cầu Tổng cục Thuế triển khai thu thuế ngay với sàn thương mại điện tử xuyên biên giới này. 

 

Các chuyên gia cho rằng Temu không đăng ký thì không phải nộp thuế, không chịu sự kiểm soát chất lượng hàng hóa theo quy định Việt Nam, không công bằng với các doanh nghiệp khác. Vậy các sàn hoạt động 'chui' sẽ bị xử lý như thế nào?

 

Cú đánh cược xế chiều, bầu Đức báo lãi lớn

 

CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã HAG) do ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) làm chủ tịch HĐQT, báo lãi sau thuế quý III đạt gần 351 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ, dù doanh thu hợp nhất giảm 24% còn 1.432 tỷ đồng.

 

Luỹ kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần giảm 17% xuống 4.194 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng 20% lên 851 tỷ đồng. Lỗ lũy kế chỉ còn 626 tỷ đồng. 

 

Doanh nghiệp dịch vụ sân bay của ông Johnathan Hạnh Nguyễn lãi đậm

 

CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất - Sasco (SAS) do ông Johnathan Hạnh Nguyễn làm chủ tịch, vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2024 với doanh thu và lợi nhuận gộp đạt tương ứng hơn 782 tỷ đồng và 498 tỷ đồng.

 

Đây đều là những con số kỷ lục mà ông lớn dịch vụ hàng không ghi nhận trong một quý. Với mức lợi nhuận nói trên, biên lợi nhuận gộp đạt gần 64%. 

 

Lũy kế 9 tháng, Sasco ghi nhận tổng doanh thu hơn 2.117 tỷ đồng và lãi sau thuế hơn 294 tỷ đồng, tăng 12% và 22% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là những con số ấn tượng nếu so với quy mô vốn hơn 1.330 tỷ đồng của Sasco. 

 

Hưng Thịnh Land dưới thời CEO Lê Trọng Khương: Chìm trong thua lỗ, nợ trái phiếu

 

Hưng Thịnh Land là doanh nghiệp bất động sản lớn, có quy mô chỉ xếp sau vài cái tên như Vinhomes của tỷ phú Phạm Nhật Vượng hay Novaland của ông Bùi Thành Nhơn. Dưới thời CEO Lê Trọng Khương, doanh nghiệp gần đây thua lỗ và chìm trong nợ trái phiếu.

 

Theo báo cáo tài chính nửa đầu năm 2024, Hưng Thịnh Land lỗ ròng hơn 538 tỷ đồng. Trước đó, công ty này lỗ hơn 900 tỷ năm 2023, còn năm 2022 lãi hơn 115 tỷ đồng.

 

Dư nợ trái phiếu của Hưng Thịnh Land hiện ở mức gần 17.187 tỷ đồng, giảm khoảng 1.000 tỷ đồng so với cuối tháng 6/2023. 

 

NHNN nêu vướng mắc việc mua bắt buộc ngân hàng yếu kém

 

Trong báo cáo của NHNN vừa được gửi đến Quốc hội, NHNN nêu khó khăn, vướng mắc trong công tác cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu.

 

NHNN sẽ tập trung xây dựng, phê duyệt triển khai các đề án cơ cấu lại ngân hàng yếu kém đến năm 2025, xử lý cơ bản các ngân hàng yếu kém, đặc biệt không để phát sinh ngân hàng yếu kém mới. 

 

Eximbank lên tiếng về những tin đồn liên quan đến ngân hàng

 

Ngày 24/10/2024, Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cho biết nhận được thông tin lan truyền liên quan đến chủ trương chuyển trụ sở; cấp tín dụng cho khách hàng.

 

Eximbank cho rằng các thông tin này đã gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư, khách hàng, xâm phạm quyền lợi của cổ đông ngân hàng. Đặc biệt, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh, thương hiệu, uy tín của Eximbank. 

 

Đề xuất Quốc hội quyết định bổ sung vốn 20.695 tỷ đồng cho VCB

 

Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc việc bổ sung vốn nhà nước tại VCB từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2021 là “rất cần thiết”, nhằm nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước.

 

“Đây được xem là phần đầu tư bổ sung vốn nhà nước vào VCB. Số liệu trên đã được kiểm toán xác nhận khi kiểm toán báo cáo tài chính năm 2023 của VCB. Do vậy, Chính phủ thống nhất mức vốn nhà nước đầu tư bổ sung tại VCB là 20.695 tỷ đồng”, Phó Thủ tướng nêu rõ. 

 

Chính thức có cơ chế giá cho điện mặt trời mái nhà dư phát lên lưới

 

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 135/2024/NĐ-CP ngày 22/10/2024 quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ. Nghị định có hiệu lực từ 22/10.

 

Nghị định số 135 quy định điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ dư thừa phát lên hệ thống lưới điện quốc gia sẽ có giá mua bán bằng giá điện năng thị trường bình quân. 

 

 

Theo vietnamnet.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang