Thứ Sáu, 22/11/2024 05:21:51 GMT+7
Lượt xem: 3183

Tin đăng lúc 14-07-2016

Địa phương góp sức xây dựng thương hiệu quốc gia

“Một trong những yếu tố để hội nhập thành công, tranh thủ được cơ hội do hợp tác, liên kết mang lại, vượt qua thách thức của sự cạnh tranh gay gắt là phải xây dựng và phát triển sức cạnh tranh tổng thể của quốc gia, trong đó có thương hiệu của các vùng miền có tiềm năng, thế mạnh”.
Địa phương góp sức xây dựng thương hiệu quốc gia
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại diễn đàn

Cấp thiết phát triển thương hiệu vùng miền

 

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tại Diễn đàn “Thương hiệu Quốc gia với sản phẩm địa phương” do Bộ Công Thương phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức vừa diễn ra hôm nay (ngày 13/7).

 

Nằm trong khuôn khổ Chương trình “Tuần lễ Thương hiệu Quốc gia Việt Nam 2016”, diễn đàn là nơi trao đổi và thảo luận, đối thoại thẳng thắn về các vấn đề liên quan đến phát triển thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu sản phẩm, thương hiệu ngành hàng, thương hiệu địa phương và thương hiệu quốc gia nhằm góp phần đẩy mạnh công cuộc xây dựng và phát triển thương hiệu vùng miền trong tổng thể Thương hiệu Quốc gia Việt Nam trong thời gian tới.

 

Theo đánh giá của Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, hiện các địa phương của Việt Nam đang nỗ lực kết hợp phát triển kinh tế và chú trọng xây dựng hình ảnh về địa phương, vùng miền gắn với việc nâng cao hình ảnh quốc gia trong con mắt của cộng đồng quốc tế.

 

Tuy nhiên, “tiến trình này còn nhiều tồn tại trên một số khía cạnh, vẫn còn những mục tiêu lớn phải hướng tới nhằm hoàn thiện và không ngừng nâng cao sức cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam trên toàn cầu. Do đó, vấn đề xây dựng và phát triển thương hiệu vùng miền vừa là cấp thiết trước mắt vừa là chiến lược lâu dài, đòi hỏi sự nỗ lực về nhiều mặt, và của các ngành, các địa phương” – Thứ trưởng nhấn mạnh.

 

Thương hiệu nâng tầm nông sản

 

Đối với nông sản, vấn đề xây dựng thương hiệu càng trở nên cấp bách hơn. Phân tích tại diễn đàn, ông Ma Quang Trung- Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã lấy câu chuyện gạo Việt Nam để minh chứng cho luận điểm trên.

 

 

 

Hiện nay Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Mặc dù sản lượng và kim ngạch xuất khẩu gạo đạt mức tăng trưởng khá, chiếm vị trí cao trên thị trường thế giới nhưng giá trị xuất khẩu trên đơn vị sản phẩm lại thấp do chất lượng gạo Việt Nam còn thấp, độ lẫn giống còn cao, chưa có thương hiệu riêng mà phải mang một nhãn hàng khác của quốc gia nhập khẩu.

 

Điều đáng mừng, một số doanh nghiệp đã bước đầu xây dựng thương hiệu gạo cho riêng mình nhưng vẫn còn nhiều khó khăn về thị trường như: Gạo Ngọc Đồng (của doanh nghiệp Gentraco), Hương Lúa (ITA Rice), Tứ Quý (ADC), gạo hữu cơ Hoa Sữa (Công ty Viễn Phú), gạo Bảy Núi (Công ty Bảo vệ Thực vật An Giang), thương hiệu gạo thơm ST ở Sóc Trăng, gạo Nàng Thơm Chợ Đào, Tám Xoan Hải Hậu...

 

Cụ thể như với gạo thơm Sóc Trăng, Công ty Lương thực Sóc Trăng đã xuất khẩu một lượng khá lớn gạo thơm ST5 sang thị trường Hồng Kông với giá cao hơn gạo loại 5% tấm từ 120 - 150 USD/tấn. Sản phẩm gạo hữu cơ của Công ty Viễn Phú có giá cao gấp 2-3 lần sản phẩm thông thường và mang lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững. Do vậy việc xây dựng thương hiệu lúa gạo là rất quan trọng- ông Trung đánh giá.

 

Nhận thức được vai trò của thương hiệu, nhiều địa phương đã và đang nỗ lực trang bị “tên tuổi” cho các mặt hàng đặc sản của quê hương mình. Tại Hòa Bình, địa phương này có sản vật Cam Cao Phong đã trở nên nổi tiếng khắp cả nước. Tuy nhiên, những năm trước đây, diện tích trồng cam liên tục giảm vì đầu ra bấp bênh. Mặc dù chất lượng tốt, vị ngọt ngon song do chưa có thương hiệu nên mặt hàng này có giá trị thấp.

 

Để khắc phục tình trạng này, ông Bùi Văn Thắng – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hòa Bình cho hay, UBND tỉnh đã chỉ đạo huyện Cao Phong tổ chức quy hoạch lại vùng cam và xây dựng thương hiệu cho cam. Theo đó, chỉ trồng ở những vùng có điều kiện thuận lợi, không trồng ồ ạt; đồng thời hướng dẫn người dân trồng theo mô hình cam sạch, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap. Đến năm 2014, Cam Cao Phong đã được Bộ KHCN chứng nhận “Thương hiệu chỉ dẫn địa lý”. Chỉ 2 năm sau, sản phẩm Cam Cao Phong đã khẳng định được giá trị thương hiệu và ngày càng được người tiêu dùng biết đến và ưa chuộng. Nhờ vậy, diện tích, sản lượng và giá bán tăng từ 2-3 lần so với trước đây. 

 

Theo ông Đào Đức Huấn – Trung tâm Phát triển nông thôn, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển NNNT, 15 năm qua, Việt Nam đã tập trung xây dựng phát triển chỉ dẫn địa lý như một công cụ bảo hộ nông sản. Tính đến ngày 30/5/2016, Việt Nam mới có 43 chỉ dẫn địa lý được bảo hộ; 32/62 tỉnh/thành có chỉ dẫn địa lý và có 8 tỉnh/thành có từ 2 chỉ dẫn địa lý trở lên. Các chỉ dẫn này đã phát huy hiệu quả tốt trong nâng cao giá trị nông sản Việt.

 

Nguồn: Báo Công Thương điện tử


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang