Hàng loạt siêu thị đẩy mạnh bán hàng trực tuyến
Để hỗ trợ người dân mua sắm trong bối cảnh dịch COVID-19, Saigon Co.opmart đã triển khai mạnh mẽ hình thức thương mại điện tử. Theo ông Nguyễn Anh Đức – Tổng Giám đốc Saigon Co.opmart, bên cạnh việc bán hàng tại các siêu thị, Saigon Co.op còn tăng cường bán hàng trên các ứng dụng app, trang web https://cooponline.vn/, liên kết với hầu hết các ứng dụng công nghệ của các hãng và còn đang kết hợp các đoàn thể địa phương phát hành phiếu “đi chợ giúp người dân”.
“Đối với các khu vực phong tỏa, chúng tôi có phương án kết hợp tổ dân phố lập danh sách đi chợ giúp dân hoặc cung cấp combo 5-10 mặt hàng thiết yếu đến từng gia đình” – ông Nguyễn Anh Đức nói.
Hệ thống siêu thị Big C và GO! cũng áp dụng chính sách bán và giao hàng tại nhà, hỗ trợ giao hàng miễn phí trong phạm vi 10km cho đơn hàng từ 200.000VND. Ngoài giao hàng online miễn phí, hệ thống siêu thị Big C, GO! cũng áp dụng nhiều chính sách khuyến mãi nhằm hỗ trợ khách hàng giảm chi phí trong mùa dịch.
Theo ông Bruno Jousselin – Tổng Giám đốc Điều hành MM Mega Market Việt Nam, trong 3 năm gần đây, MM Mega Market Việt Nam đã triển khai và hoàn thiện giải pháp bán hàng trực tuyến. Kênh mua sắm trực tuyến của MM Mega Market hiện cung cấp khoảng 7.000 sản phẩm thuộc đa dạng ngành hàng từ hàng tươi sống, đông lạnh, đồ khô và các mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu đều có sẵn và được bổ sung liên tục.
Tất cả sản phẩm đều được kiểm định chất lượng, riêng các mặt hàng thực phẩm sẽ có giấy chứng nhận, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung – Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Nội cho biết, người tiêu dùng mua hàng online tại kênh mua sắm trực tuyến của Co.opmart Hà Nội cũng được hỗ trợ giao hàng miễn phí.
Không để đứt gãy nguồn cung hàng hóa
Theo lãnh đạo nhiều siêu thị, nguồn cung hàng hóa rất dồi dào, nhưng hiện nay các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về phương tiện vận tải, hậu cần logistics do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
“Có thông tin hành tại các tỉnh chỉ khoảng 30.000 đồng/kg, nhưng chúng tôi phải mua với giá 100.000 đồng/kg. Cần tạo điều kiện để lưu thông hàng hóa” – chị Trần Phương Thảo (ngụ Q7-TPHCM) nêu ý kiến.
Theo bà Trần Thị Thu Tâm - Giám sát chuỗi siêu thị Co.opFood khu vực Cần Thơ, trung bình mỗi ngày Co.opFood về 20 tấn rau củ, 5 tấn thịt lợn, 1,5 tấn thịt gà, 1 tấn thủy hải sản… Tuy nhiên, do nhu cầu mua sắm tăng cao đột biến, khâu vận chuyển lại gặp nhiều khó khăn nên dù hết sức cố gắng nhưng hàng hóa tại Co.opFood đôi lúc không nhiều và đầy đủ như trong thời điểm bình thường.
Hiện nay, hầu hết các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện ích đều tăng lượng hàng hóa từ 4-5 lần, nhưng sức mua vẫn rất cao. Tại TPHCM, những ngày đầu áp dụng giãn cách, các đơn hàng trực tuyến ùn ứ vì lực lượng vận chuyển bị quá tải, đến nay tình trạng này đã được cải thiện.
Điều đáng nói là tại một số tỉnh đang là “điểm nóng” của dịch COVID-19 như TPHCM, Cần Thơ, Bình Dương, Đồng Nai… có hiện tượng một số tiểu thương nâng giá lương thực, thực phẩm cục bộ để trục lợi, ngành công thương đang nỗ lực kiểm tra, xử lý.
Theo ông Hà Vũ Sơn - Giám đốc Sở Công Thương TP. Cần Thơ, Sở đã phối hợp với các cơ quan liên quan, UBND quận, huyện triển khai các điểm bán hàng hóa bình ổn và đảm bảo phòng, chống dịch trên địa bàn. Hiện nay đã triển khai được một điểm bán hàng thiết yếu tại Trung tâm Hội chợ triển lãm TP.Cần Thơ. Các điểm bán hàng khác đang được UBND các quận, huyện lựa chọn, tham mưu, đề xuất.
Ông Nguyễn Anh Đức cũng khẳng định, hàng hóa thiết yếu, thực phẩm, lương thực không thiếu. “Quan trọng nhất là cần bình tĩnh, mua sắm vừa phải, cần phối hợp và tuân thủ hướng dẫn của các siêu thị để lương thực, thực phẩm được phục vụ đều cho càng nhiều người càng tốt” – ông Nguyễn Anh Đức nói.
Theo Lao động