Chủ Nhật, 24/11/2024 21:45:17 GMT+7
Lượt xem: 2811

Tin đăng lúc 27-04-2020

Dịch Covid-19: Thương mại điện tử lên ngôi, người tiêu dùng phải tỉnh táo

Diễn biến ngày càng phức tạp của dịch Covid-19 đang dần thay đổi tâm lý mua sắm của người tiêu dùng. Khách hàng chọn lựa các dịch vụ mua sắm trực tuyến nhiều hơn khi được khuyến cáo hạn chế tiếp xúc với người xung quanh. Tuy nhiên, cả người tiêu dùng và doanh nghiệp vẫn cần tỉnh táo và thận trọng khi các hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) đang ngày một sôi động, bùng nổ và cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ hơn.
Dịch Covid-19: Thương mại điện tử lên ngôi, người tiêu dùng phải tỉnh táo
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương)

Mới đây, vào ngày 24/4, trong buổi Toạ đàm trực tuyến với chủ đề “Doanh nghiệp và người tiêu dùng chung tay trong đại dịch Covid-19”, bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương), cho biết: “Chúng tôi đã sớm chỉ đạo các sàn đảm bảo rà soát các sản phẩm, chống hàng giả hàng nhái, ưu tiên hiển thị các sản phẩm chống dịch, các nhu yếu phẩm cung cấp trong dịch. Đồng thời, xử lý nghiêm hiện tượng các gian hàng bán thiết bị phòng dịch tăng giá... Đến ngày 24/4, đã xử lý khoảng 17.000 gian hàng và khoảng 38.400 sản phẩm vi phạm”.

 

Trong nền kinh tế 4.0 thời hội nhập, các hành vi gian lận TMĐT đang ngày càng tinh vi và phức tạp hơn, trở thành một vấn đề nhức nhối đối với các cơ quan chức năng. Do vậy, người tiêu dùng và kể cả là các doanh nghiệp càng cần đặc biệt tỉnh táo.

 

Bà Nguyễn Thị Minh Huyền nhấn mạnh, việc doanh nghiệp bán hàng và đăng ký với Bộ Công Thương sẽ giúp họ có được uy tín với cộng đồng và tránh được các tình huống về công tác hậu kiểm. Việc đăng ký cũng giúp người tiêu dùng tiện kiểm tra thông tin trước khi mua hàng. Về phía người tiêu dùng, bà Huyền mong muốn các khách hàng hãy là người tiêu dùng thông thái bằng việc mua hàng trên các sàn giao dịch điện tử đã đăng ký với Bộ Công Thương. Khách hàng cũng cần tra cứu trước khi mua hàng, tìm hiểu các quy định của các sàn để ghi lại lịch sử giao dịch, nếu có tranh chấp xảy ra, cơ quan liên quan có thể hỗ trợ kịp thời.

 

 

Toàn cảnh buổi toạ đàm trực tuyến "Doanh nghiệp với người tiêu dùng chung tay trong đại dịch COVID-19"

 

Khi dịch Covid-19 bùng nổ đã xuất hiện hiện tượng một số cá nhân, tổ chức lợi dụng dịch bệnh để trục lợi như nâng giá bán khẩu trang giai đoạn đầu chống dịch, bán thiết bị y tế kém chất lượng, hàng giả… Để ngăn chặn những hành vi gian lận thương mại ấy, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã thành lập tổng đài tiếp nhận thông tin của người tiêu dùng. Sau một thời gian hoạt động, tổng đài đã nhận được nhiều khiếu nại liên quan đến việc mua hàng, đặc biệt mua online nhận hàng không đúng, không đảm bảo chất lượng.

 

Cũng trong buổi toạ đàm hôm 24/4, ông Hồ Tùng Bách, Phó Trưởng phòng Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), nhấn mạnh rằng, hoạt động TMĐT đang là xu thế nhưng có hai mặt, đòi hỏi người tiêu dùng doanh nghiệp phải tỉnh táo. Bằng những phương pháp đơn giản, người tiêu dùng hoàn toàn có thể chủ động kiểm tra các thông tin về sản phẩm, từ đó có được lựa chọn thông minh nhất. “Người tiêu dùng có thể lưu ý, khi truy cập một trang TMĐT, chúng ta kéo xuống cuối trang xem ứng dụng đã đăng ký chưa, có nhiều trường hợp mạo danh đã xảy ra. Theo tôi, với mỗi gian hàng uy tín, khi người tiêu dùng truy cập sẽ có đường dẫn vào trang thông tin, nêu rõ tên công ty, địa chỉ, mã số thuế..., như vậy mới là wesite chính xác”, ông Bách nói.

 

Minh Phương


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang