Thuỷ sản, dệt may, gạo… chiếm số đông
Theo đó, danh sách xuất khẩu uy tín trong năm 2020 được thống kê theo các lĩnh vực như sau: Cà phê có 13 doanh nghiệp, cao su 20 doanh nghiệp, chè 6 doanh nghiệp, thủy sản 44 doanh nghiệp, gạo 27 doanh nghiệp, hạt điều 18 doanh nghiệp, hạt tiêu 12 doanh nghiệp, rau củ quả các loại 17 doanh nghiệp, thủ công mỹ nghệ 7 doanh nghiệp, sữa và sản phẩm sữa 3 doanh nghiệp, dây điện và cáp điện 4 doanh nghiệp, dệt may 43 doanh nghiệp, dược và thiết bị y tế 4 doanh nghiệp, điện thoại các loại và linh kiện 6 doanh nghiệp, giày dép 6 doanh nghiệp, bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc 4 doanh nghiệp, máy vi tính điện tử và linh kiện 4 doanh nghiệp, sản phẩm chất dẻo 21 doanh nghiệp, sản phẩm cơ khí 8 doanh nghiệp, sản phẩm gỗ 9 doanh nghiệp, vật liệu xây dựng 14 doanh nghiệp, xơ và sợi dệt 9 doanh nghiệp, giấy và các sản phẩm từ giấy 2 doanh nghiêp, máy ảnh máy quay phim và linh kiện 1 doanh nghiệp, túi xách và ví 1 doanh nghiệp, các mặt hàng khác 20 doanh nghiệp.
Danh sách trên cho thấy, nhóm ngành thủy sản chiếm tỷ lệ cao nhất với 44 doanh nghiệp. Trong đó nổi lên một số cái tên đáng chú ý như: Công ty TNHH Cá Ngừ Việt Nam do Sở Công Thương tỉnh Khánh Hòa xét chọn với năng lực sản xuất 100 tấn nguyên liệu mỗi ngày, Công ty Cổ phần Thủy sản Bình Định do Sở Công Thương tỉnh Bình Định xét chọn có công xuất nhà máy 4200 tấn/năm… Đa số các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản nói trên đều nằm trên địa bàn các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ như Khánh Hòa, Bình Định…
Lĩnh vực dệt may đứng thứ 2 với 43 doanh nghiệp với những cái tên quen thuộc đã chiếm được sự tin tưởng của người tiêu dùng trong và ngoài nước như: Tổng Công ty May 10 do Hiệp hội Dệt May Việt Nam xét chọn, Tổng Công ty Cổ phần may Việt Tiến… Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này chủ yếu tập trung ở các tỉnh đồng đồng bằng và đô thị lớn như: Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương…
Tiếp đến là các lĩnh vực hạt tiêu và hạt điều 30 doanh nghiệp, gạo với 27 doanh nghiệp, sản phẩm chất dẻo 21 doanh nghiệp, cao su 20 doanh nghiệp, vật liệu xây dựng 14 doanh nghiệp, cà phê 13 doanh nghiệp…
Xi măng tìm lối thoát
Đáng chú ý trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, giai đoạn trước năm 2020 ngành xi măng đối mặt với tình trạng thừa cung. Trước tình thế đó, một số doanh nghiệp lớn như: Công ty TNHH MTV Xi măng Vicem Hoàng Thạch, Công ty Cổ phần Xi măng Xuân Thành, Công ty Cổ phần Xi măng Hạ Long đã đẩy mạnh phát triển theo hướng xuất khẩu và có tên trong danh sách kể trên.
Có thể thấy, những thế mạnh của đất nước đã được chúng ta tận dụng khai thác triệt để. Nguồn tài nguyên biển giúp chúng ta có thế mạnh trong xuất khẩu thủy sản. Nguồn lao động dồi dào, chăm chỉ giúp chúng ta có thế mạnh trong xuất khẩu dệt may và sản xuất, chế biến mặt hàng nông sản. Các nhóm hàng vốn là thế mạnh của Việt Nam vẫn tiếp tục phát huy hiệu quả và chiếm ưu thế trong xuất khẩu với số lượng doanh nghiệp áp đảo. Có được thành quả ấn tượng trên bên cạnh những nguồn lực về thiên nhiên, đất nước, con người phải kể đến sự nỗ lực, linh hoạt trong điều hành của Chính phủ, sự hỗ trợ kịp thời của các bộ ngành, các địa phương đã tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp doanh nghiệp vươn mình ra thế giới.
Nhóm ngành kỹ thuật, công nghệ còn ít
Tuy nhiên, danh sách doanh nghiệp xuất khẩu uy tín năm 2020 cũng cho thấy các nhóm ngành nghề có số lượng doanh nghiệp lớn lại chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhóm ngành liên quan đến kỹ thuật, công nghệ đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao thì chúng ta vẫn còn ít, chưa thực sự đáp ứng và theo kịp sự phát triển của thế giới. Cụ thể: Lĩnh vực dược và thiết bị y tế 4 có doanh nghiệp, điện thoại các loại và linh kiện 6 doanh nghiệp, máy vi tính điện tử và linh kiện 4 doanh nghiệp, giấy và các sản phẩm từ giấy 2 doanh nghiêp, máy ảnh máy quay phim và linh kiện có 1 doanh nghiệp duy nhất là Công ty TNHH Mcnex Vina do Sở Công Thương tỉnh Ninh Bình xét chọn.
Danh sách doanh nghiệp xuất khẩu uy tín trong năm 2020 cũng cho thấy kinh tế nước ta đang có sự phân hóa theo vùng. Tại một số khu vực như Tây Nguyên, Nam Trung bộ có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để trồng, chế biến các loại nông sản xuất khẩu. Các doanh nghiệp xuất khẩu uy tín chủ yếu tập trung tại các khu vực đô thị lớn. Còn lại một số tỉnh miền núi phía Bắc do điều kiện khó khăn về giao thông, khí hậu, đất đai… nên các doanh nghiệp khó phát triển trong lĩnh vực xuất khẩu dẫn đến người dân thiếu việc làm, kinh tế phát triển giữa các vùng không đồng đều.
Trong bối cảnh xung đột đang diễn ra tại một số khu vực trên thế giới, cùng với ảnh hưởng của dịch COVID-19 sẽ khiến việc xuất khẩu của các doanh nghiệp được dự báo sẽ gặp không ít khó khăn, trở ngại. Để giúp các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục vươn ra thị trường thế giới, Nhà nước cần tạo dựng môi trường kinh doanh, hỗ trợ các doanh nghiệp vay vốn và ứng dụng khoa học kỹ thuật, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng quy mô sản xuất. Bên cạnh đó các Bộ, ngành và địa phương cần thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, giảm các chi phí khai thác hạ tầng vận tải, chi phí logistics trong các hoạt động xuất nhập khẩu và lưu thông hàng hóa trong nước. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác đơn giản hóa thủ tục hành chính, kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Theo Congthuong.vn