Chủ Nhật, 24/11/2024 05:41:07 GMT+7
Lượt xem: 702

Tin đăng lúc 19-05-2021

Điểm nổi bật trong sửa đổi Nghị định 43/NĐ-CP về nhãn hàng hóa, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng

Bộ KH&CN vừa hoàn thiện Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa nhằm minh bạch hóa các quy định nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng; đảm bảo quy định phù hợp, không gây gánh nặng cho doanh nghiệp là một trong những điểm nổi bật của Dự thảo.
Điểm nổi bật trong sửa đổi Nghị định 43/NĐ-CP về nhãn hàng hóa, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng

Nghị định này ngoài việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh, giúp doanh nghiệp tiết kiệm được rất nhiều chi phí, còn giúp cơ quan chức năng làm tốt hoạt động quản lý nhà nước về sản phẩm hàng hóa; Ngăn chặn tình trạng một số doanh nghiệp lợi dụng cơ chế để gian lận về xuất xứ, ghi nhãn không đúng quy định để xuất khẩu hàng hóa vào các nước khác, minh bạch hơn, rõ ràng hơn đối với hàng hóa nhập khẩu, nhằm tránh trường hợp doanh nghiệp lợi dụng để thay đổi nhãn mác, xuất xứ hàng hóa, lừa dối người tiêu dùng; Tạo hành lang pháp lý cho các nội dung đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ hiện đại trong hoạt động ghi nhãn hàng hóa.

 

Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết: Việc sửa đổi Nghị định lần này có 5 điểm nổi bật, đó là:

 

Thứ nhất: Hàng hóa sản xuất trong nước để xuất khẩu phải thực hiện ghi nhãn hàng hóa theo pháp luật của nước nhập khẩu; Trường hợp hàng hóa sản xuất trong nước để xuất khẩu có nhãn hàng hóa thể hiện xuất xứ hàng hóa thì nội dung xuất xứ hàng hóa phải bảo đảm đáp ứng các quy định pháp luật của Việt Nam về xuất xứ hàng hóa.

 

Thứ hai: Điều chỉnh quy định về ghi nhãn hàng hóa nhập khẩu theo hướng bắt buộc trên nhãn gốc phải thể hiện 3 nội dung bao gồm: Tên hàng hóa; Tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa và xuất xứ hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa. Trường hợp trên nhãn gốc hàng hóa không thể hiện xuất xứ hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa thì bắt buộc phải thể hiện nội dung này trong hồ sơ nhập khẩu kèm theo hàng hóa.

 

Thứ ba: Sửa đổi quy định về ghi xuất xứ hàng hóa theo hướng: Ghi xuất xứ hàng hóa theo đúng quy định pháp luật của Việt Nam về xuất xứ hàng hóa và các hiệp định mà Việt Nam ký kết tham gia. Trường hợp không xác định được xuất xứ hàng hóa theo pháp luật Việt Nam thì phải ghi rõ, minh bạch về nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa.

 

Thứ tư: Bổ sung quy định cho phép thể hiện một số nội dung ghi nhãn bắt buộc theo phương thức điện tử, như việc ứng dụng mã số mã vạch, QR Code... để cung cấp thông tin về nhãn hàng hóa và thông tin về truy xuất nguồn gốc của hàng hóa.

 

Thứ năm: Bổ sung quy định để Bộ Y tế hướng dẫn việc ghi nhãn dinh dưỡng đối với một số mặt hàng thực phẩm.

 

Do vậy, việc bổ sung hàng hóa xuất khẩu vào phạm vi điều chỉnh là cần thiết nhằm chống gian lận thương mại, chuyển tải bất hợp pháp làm ảnh hưởng xấu tới các doanh nghiệp chân chính trong nước, bảo vệ lợi ích quốc gia và quyền lợi của người tiêu dùng.

 

CD


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang