Không chỉ làm đổi thay cuộc sống của nông dân nơi đây, mô hình du lịch gắn với cộng đồng ở Giang Biên còn góp thêm những điểm sáng cho du lịch nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững ở Thủ đô.
"Các bạn biết không, Giang là sông, Biên là biên giới/ranh giới. Giang Biên là tên chữ dùng để gọi vùng đất Vự Ðàm xưa, nằm ven hữu ngạn dòng sông Ðuống hiền hòa, gồm hai làng Tình Quang và Quán Tình. Làng Quán Tình còn có tên nôm là Kẻ Tạnh, gắn liền với sự tích liên quan công chúa Ngọc Hân (công chúa nhà Hậu Lê, sau trở thành Thứ hậu nhà Tây Sơn với tư cách là Bắc cung Hoàng hậu - vợ thứ của Hoàng đế Quang Trung). Năm ấy, trời mưa to lắm khiến nhiều nơi ngập lụt, ngay cả kinh đô Thăng Long cũng ngập hàng thước nước. Nhưng khi công chúa đi ngang quán đầu làng trú mưa, trời bỗng quang, mưa tạnh hẳn. Thế là tên Kẻ Tạnh được công chúa Ngọc Hân đặt cho làng từ đó"… - vừa đưa chúng tôi tham quan vườn rau sạch của gia đình, cô Nguyễn Thị Năm vừa say sưa kể về lịch sử Giang Biên.
Phát cho mỗi người một chiếc rổ nhỏ để thu hái cà chua, cô Năm phấn khởi chia sẻ về bí quyết gieo trồng, chăm sóc để có được những trái cà chua sạch, chín đỏ, có thể ăn ngay tại vườn. Cô cũng không quên nhắc chúng tôi nhanh tay hơn để còn tiếp tục di chuyển sang nhà bác Trượng tìm hiểu các công đoạn nấu bánh đúc; đến nhà cô Nam thực hành bện thừng, khám phá nghề làm võng truyền thống… Ấy là cách những người nông dân hồn hậu, chất phác nơi đây giúp chúng tôi tạm quên những áp lực, lo toan của cuộc sống thường nhật khi trải nghiệm mô hình du lịch nông nghiệp VietHarvest AgriTour vừa ra mắt tại Giang Biên.
Điểm sáng về du lịch xanh
Mô hình được phát triển từ Dự án cộng đồng "Cải thiện sinh kế của nông dân vùng ven đô Hà Nội-Du lịch nông nghiệp như một ngành kinh doanh hỗ trợ đa dạng nguồn thu nhập" do Công ty cổ phần tập đoàn phát triển doanh nghiệp cộng đồng Việt (VietED) thực hiện với sự tài trợ từ Quỹ châu Á (The Asia Foundation-TAF) và Quỹ GSRD (GSRD Foundation). Triển khai từ tháng 9/2022, VietHarvest AgriTour hiện đã thu hút 18 hộ dân ở Giang Biên tham gia, với ba sản phẩm du lịch xanh được các chuyên gia trong nước, quốc tế tư vấn, thiết kế dựa trên điều kiện tự nhiên, văn hóa, lịch sử của khu nông trại-vườn rau sạch Giang Biên.
Nếu tour "Một ngày làm nông dân" đưa du khách tham gia các hoạt động nhổ cỏ, gieo trồng, thu hoạch rau, quả theo mùa, tự tay chế biến và thưởng thức những món ăn truyền thống từ nông sản địa phương, thì tour "Học kỳ nông nghiệp" (trọn một ngày) lại giúp du khách là học sinh, thanh thiếu niên được trải nghiệm chuỗi hoạt động "Nông dân ra vườn", "Học cùng bác nông dân", "Bữa cơm thơm lành", "Tay xinh tay khéo", "Rau ở đâu, củ tên gì"… Tour "Sống xanh-Sống lành" (2 ngày 1 đêm) thì hướng đến thay đổi nhận thức, lối sống của du khách một cách tích cực thông qua trang bị kiến thức cơ bản về dinh dưỡng có trong rau, củ, về chế độ ăn giúp thải độc cơ thể, tổ chức khóa học ủ rác nông nghiệp làm phân bón hữu cơ…
Tham gia các tour du lịch ở đây, du khách có thể đạp xe trên đường đê, hòa mình vào không gian trong lành của Giang Biên, tham quan những di tích văn hóa lịch sử như cụm di tích đình-chùa Quán Tình, cụm di tích đình-chùa Tình Quang…
Ông Nguyễn Trí Thanh - chuyên gia về biến đổi khí hậu và môi trường của Quỹ châu Á cho biết: Trước khi thiết kế thành các tour du lịch, chuyên gia của dự án có nhiều năm gắn bó với nông dân Giang Biên, thông qua dự án "Một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người nông dân và An toàn thực phẩm cho người tiêu dùng thông qua mô hình hợp tác xã đô thị" do TAF và Quỹ GSRD hỗ trợ, triển khai từ năm 2019. "Sang giai đoạn tiếp theo, chúng tôi muốn đa dạng hóa hơn nữa nguồn sinh kế cho người dân thông qua phát triển mô hình du lịch nông nghiệp để thu hút khách từ Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác. Ðây thật sự là một thách thức bởi thay đổi tư duy của bà con từ canh tác nông nghiệp đơn thuần sang cung ứng dịch vụ là điều không hề đơn giản, đòi hỏi cả một quá trình kiên trì, bền bỉ. Nguồn tài trợ từ các quỹ thì không thể kéo dài mãi, nên để bảo đảm yếu tố bền vững, phải xây dựng được mô hình kinh doanh phù hợp và giúp bà con tự vận hành trơn tru, hiệu quả mô hình đó"- ông Thanh nhấn mạnh.
Sau khi hoàn thành thiết kế sản phẩm du lịch, nhóm chuyên gia của dự án đã tập huấn, đào tạo qua hình thức mô phỏng và trải nghiệm thực tế, sau đó mới chuyển giao để các hộ nông dân có thể triển khai; đồng thời kết nối với công ty du lịch để đưa sản phẩm tới du khách.
Chia sẻ về những kiến thức mới vừa được học, bà Nguyễn Thị Loan, đại diện một nông hộ tham gia mô hình du lịch nông nghiệp ở Giang Biên cho biết, bà vẫn nhớ như in những chuyến trải nghiệm miễn phí được dự án tổ chức tại khu nông trại Chimi Farm, Detrang Farm (Hà Nội), đặc biệt là tại Sa Pa (Lào Cai) để học hỏi cách làm du lịch nông nghiệp: "Tôi chưa bao giờ được đi xa như thế. Lâu nay, tôi chỉ biết cuốc ruộng trồng rau, chưa từng nghĩ sẽ có lúc mình được đào tạo về các kỹ năng giao tiếp, bán hàng, marketing… để tiếp cận thị trường, phục vụ khách du lịch. Tôi cảm thấy như vừa có thêm một bước tiến mới, rất phấn khởi và hy vọng ngày càng nhiều du khách đến với Giang Biên".
Đưa du lịch nông nghiệp, nông thôn trở thành dòng sản phẩm chủ đạo
Nhiều điểm đến khác ở khắp các vùng miền trên cả nước đã và đang hình thành những sản phẩm du lịch mang đặc trưng văn hóa nông nghiệp, nông thôn, góp phần hiện thực hóa Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 với định hướng phát triển mạnh các sản phẩm chủ đạo, có lợi thế của du lịch Việt, trong đó có du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Có không ít tour du lịch cộng đồng đã tạo dựng được thương hiệu, thu hút du khách trong và ngoài nước, như: tour du lịch ngắm ruộng bậc thang ở các tỉnh Tây Bắc; tham quan làng cổ Ðường Lâm (Hà Nội) mùa lúa chín; trải nghiệm công việc nhà nông ở Hội An (Quảng Nam); du lịch canh nông ở Ðà Lạt (Lâm Ðồng); hay du lịch miệt vườn vùng đồng bằng sông Cửu Long… Không chỉ mang lại sinh kế bền vững hơn cho cộng đồng, giúp bảo tồn, phát huy những giá trị sinh thái, văn hóa nông nghiệp, nông thôn, loại hình du lịch này còn góp phần đa dạng hóa bản đồ du lịch Việt Nam, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp không khói.
Tuy thế, du lịch nông nghiệp, nông thôn tại nhiều nơi trong cả nước vẫn còn phát triển tự phát, manh mún, thiếu sự sáng tạo độc đáo nên chưa tạo được giá trị gia tăng và sự khác biệt cho sản phẩm. Không ít điểm đến khó kết nối với các bên liên quan, như: nhà đầu tư, chuyên gia du lịch, doanh nghiệp lữ hành... để hoàn thiện sản phẩm thu hút khách.
Một trong những nguyên nhân chính là do hạn chế trong nhận thức và kỹ năng làm du lịch của người dân. Theo Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu, cộng đồng dân cư là đối tượng trung tâm có vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định sự thành công hay thất bại trong các chương trình, dự án phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, nhưng phần đông còn bỡ ngỡ trong quá trình tiếp thu, hội nhập, chuyển đổi làm dịch vụ du lịch trên chính quê hương mình. Vì thế, điều quan trọng là các cơ quan quản lý du lịch và các bên liên quan phải hỗ trợ để người dân có thể làm du lịch và triển khai các hoạt động du lịch thuận lợi.
Bà Trương Thị Bích Ngọc - chuyên gia tư vấn, thiết kế, tập huấn, đào tạo của các dự án du lịch nông nghiệp, nông thôn cho biết: "Qua quá trình làm việc cùng người dân, chúng tôi đã tìm được phương pháp là trực quan hóa các quy trình. Chẳng hạn, vấn đề bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, vận hành tour hay đón khách, thay vì đưa ra những quy tắc rất dài và khó nhớ, chúng tôi cố gắng cụ thể hóa thành những hình ảnh, mô hình sao cho người dân dễ hiểu, dễ thực hiện nhất. Ðiều quan trọng là huy động được sự tham gia của các bên liên quan có cùng tầm nhìn để bảo đảm sự phối hợp tốt nhất, đưa ra được mô hình dễ ứng dụng vào thực tế, có thể vận hành lâu dài, hiệu quả cho người dân".
Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) dự báo: Du lịch nông nghiệp, nông thôn sẽ trở thành phân khúc tăng trưởng mạnh thời gian tới; đến năm 2030, lượng khách tham gia vào loại hình này trên toàn cầu sẽ chiếm 10%, với doanh thu khoảng 30 tỷ USD, tăng trưởng hằng năm 10-30%, trong khi các loại hình du lịch truyền thống chỉ tăng trưởng trung bình 4%/năm. Vì thế, nếu biết tận dụng lợi thế vốn có, du lịch nông nghiệp, nông thôn Việt Nam chắc chắn sẽ trở thành "mỏ vàng" của nền kinh tế xanh quốc gia.
Tháng 8/2022, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu đẩy mạnh du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương, nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững.
Ðể thực hiện mục tiêu này, các chuyên gia cho rằng cần đưa quy hoạch du lịch nông nghiệp, nông thôn vào tổng thể quy hoạch hệ thống du lịch quốc gia trên cơ sở đánh giá toàn diện về thực trạng phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn ở các địa phương, khuyến nghị các mô hình phù hợp và có các chính sách hỗ trợ đồng bộ (như: tiếp cận vốn, công nghệ, đầu tư hạ tầng, bồi dưỡng tập huấn nhân lực, hỗ trợ truyền thông quảng bá…) ở quy mô quốc gia. Bên cạnh đó, tính liên kết giữa chủ thể hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn với các nhà đầu tư, công ty lữ hành cần được phát huy trên cơ sở hài hòa lợi ích để tạo những tour, tuyến, sản phẩm du lịch hấp dẫn.
Theo Nhandan.vn