Sau lời khai mạc của Tiến sĩ Vũ Quang Hùng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách Công Thương, các tham luận đã đi sâu phân tích tình hình trong nước và quốc tế sau đại dịch Covid-19 và khủng hoảng kinh tế do các cuộc xung đột chính trị giữa các quốc gia. Qua đó, đưa ra nhận định, đánh giá về “Ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động kết nối cung- cầu”; “Cơ hội và thách thức trong thúc đẩy cung - cầu”; “Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tăng tính nhận diện hàng Việt Nam”; “Nâng cao năng lực tài chính doanh nghiệp trong thúc đẩy kết nối cung cầu”; “Nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác kết nối cung cầu, hợp tác giữa các doanh nghiệp với các địa phương”; Đẩy mạnh hiệu quả kết nối cung cầu tín dụng tạo động lực phục hồi tăng trưởng kinh tế”; Giải pháp của dianh nghiệp ứng phó với khó khăn, đồng thời tận dụng cơ hội trong thời gian tới”…
Sau phần tham luận, các đại biểu tham dự Diễn đàn đã tập trung thảo luận, trao đổi sâu về hoạt động xúc tiến thương mại, sự kết nối giữa doanh nghiệp với các Bộ, ngành và địa phương trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Kết thúc Diễn đàn, Tiến sĩ Vũ Quang Hùng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách Công Thương đã ghi nhận các ý kiến trao đổi, tổng hợp những nội dung đề xuất của các đại biểu trong hoạt động kết nối cung cầu, nhất là tư vấn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ứng dụng thương mại điện tử, chuyển đổi số, nhằm cung cấp sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.
Trên cơ sở những nội dung thu được tại Diễn đàn, Ban Tổ chức sẽ tổng hợp báo cáo Bộ Công Thương và các cơ quan Chính phủ để có sự quan tâm, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ thúc đẩy phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, góp phần đắc lực vào chiến lược phát triển kinh tế bền vững.
PV