Thứ Sáu, 22/11/2024 02:11:28 GMT+7
Lượt xem: 771

Tin đăng lúc 20-04-2024

Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam: Đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 cũng như Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 882/QĐ-TTg ngày 22/7/2022, ngày 17/4 tại Hà Nội, Báo Điện tử VOV tổ chức “Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam: Đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh”.
Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam: Đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh
Toàn cảnh Hội nghị

Tham gia Hội nghị có đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các Hiệp hội, doanh nghiệp, địa phương, các chuyên gia, nhà nghiên cứu…, qua đó tiếp tục đưa ra các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi xanh nền kinh tế Việt Nam. 

 

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định,“Phát triển nhanh và bền vững và phát triển kinh tế xanh bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mạnh mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, quản lý, khai thác sử dụng hợp lý, tiết kiệm hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe của nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”. 

 

Tại Hội nghị, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp… đã sôi nổi trao đổi đánh giá, đưa ra nhiều ý kiến đóng góp cũng như các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi xanh nền kinh tế. Cụ thể, bài tham luận của đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên – Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc UBTV Quốc hội đồng tình với Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, cũng đặt ra mục tiêu tổng quát là tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu. 

 

Tuy nhiên, chuyển dịch phát triển theo hướng xanh vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đặt ra với Việt Nam, cần giải quyết kịp thời, nếu không sẽ là rào cản lớn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, nếu quá trình chuyển đổi xanh diễn ra càng chậm, doanh nghiệp càng mất đi cơ hội gia tăng xuất khẩu. Theo đề xuất của Bộ Tư pháp, việc hoàn thiện hành lang pháp lý về “kinh tế xanh” theo cam kết của Việt Nam đến năm 2050 đạt phát thải ròng bằng 0, nâng tỷ lệ năng lượng tái tạo trên 30% trong tổng nguồn cung năng lượng sơ cấp và tỷ lệ che phủ rừng ở mức 43%. 

 

 

Trên cơ sở tham khảo quốc tế cũng như nghiên cứu tình hình thực tiễn, việc thực hiện hành lang pháp lý về kinh tế xanh ở Việt Nam, Bộ Tư pháp đưa ra 06 đề xuất: 

 

Thứ nhất: Cần tiến hành rà soát, đánh giá lại toàn bộ các văn bản pháp luật hiện hành về các lĩnh vực tài chính ngân hàng, thuế và phí, môi trường, tài nguyên; việc sử dụng năng lương, khoa học và công nghệ, phát triển kết câu hạ tầng, nguồn nhân lực… liên quan đến phát triển kinh tế xanh, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường hướng tới phát triển bền vững. Bên cạnh đó, hiện nay các quy định về phát triển kinh tế xanh của Việt Nam nằm rải rác tại nhiều văn bản, song chúng ta chưa có một văn bản quy phạm pháp luật chính thức nào quy định tổng thể, đồng bộ về chính sách phát triển “kinh tế xanh”. Do vậy, đây là hướng nghiên cứu đặt ra cho các cơ quan có thẩm quyền để đề xuất, tham mưu ban hành quy định về vấn đề này. 

 

Thứ hai: Nghiên cứu, điều chỉnh chính sách về môi trường để phù hợp với tình hình mới, nhất là hệ thống các quy định về thuế tài nguyên, thuế môi trường. Cần thiết lập chính sách hỗ trợ cho các ngành kinh tế xanh như: Giảm thuế, ưu đãi vốn, thúc đẩy nghiên cứu và nâng cao trình độ công nghệ, tạo điều kiện cho hoạt động trao đổi kinh nghiệm giữa doanh nghiệp trong nước và quốc tế… 

 

Thứ ba: Nghiên cứu, xây dựng tiêu chí lựa chọn những dự án đầu tư thực sự hiệu quả trong phát triển kinh tế xanh.

 

Thứ tư: Cần sớm xây dựng và ban hành các cơ chế khuyến khích và thúc đẩy việc nghiên cứu, sử dụng công nghệ mới, ít tiêu hao nhiên liệu, giảm phát thải khí nhà kính và thân thiện với môi trường; chính sách về bảo đảm giá và cơ chế ưu đãi cho phát triển năng lượng tái tạo.

 

Thứ năm: Cần sớm có hệ thống quy định pháp luật đồng bộ thống nhất về hành vi mua sắm của Chính phủ theo hướng xanh hóa đối với các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ, qua đó hình thành thị trường mua sắm công xanh và chuỗi giá trị xanh, theo đó, có thể nghiên cứu xây dựng Luật mua sắm xanh và các văn bản hướng dẫn thi hành. 

 

Thư sáu: Tăng cường hợp tác với các nước, chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng hành lang pháp lý để thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, đưa ra các kết quả nghiên cứu chất lượng cao cho các nhà hoạch định chính sách và xây dựng mạng lưới phát triển kinh tế xanh. 

 

Công Chuyền

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang